Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành du lịch tìm giải pháp “hút” khách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng khách quốc tế đến Việt Nam những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, Bộ VHTT&DL đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm chủ động thu hút khách từ các thị trường trọng điểm.

Tận dụng từng cơ hội

Từ nay đến tháng 9/2014, Bộ VHTT&DL tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm, truyền thống có tiềm năng bằng các thủ tục đơn giản, thuận tiện. Với dòng khách đến Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar sau đó qua Việt Nam du lịch, Bộ VHTT&DL đề xuất Chính phủ xem xét thí điểm chính sách miễn thị thực trong ngày. Đối với khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga sẽ có những roadshow đặc biệt giới thiệu sản phẩm phù hợp cũng như quảng bá điểm đến hấp dẫn, an toàn của du lịch Việt Nam.
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.         Ảnh: Hải Linh
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Linh
Song song với đó, Bộ VHTT&DL đặc biệt chú ý đến khách trong nước bằng các chương trình kích cầu du lịch nội địa bằng nhiều chính sách khuyến mãi ưu đãi…  Chia sẻ về giải pháp liên thông với một số thị trường như Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist hy vọng, khi Chính phủ miễn thị thực cho dòng khách qua 4 nước, lượng khách vào Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều. Việc miễn thị thực cũng tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành Việt Nam liên minh với đối tác ở 4 nước này thiết kế tour ''Năm quốc gia - một điểm đến'' tham quan các điểm di sản thế giới.Với thị trường truyền thống như Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành tin tưởng lượng khách từ các quốc gia này sẽ tăng trưởng mạnh. Nhất là khi Văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản) đã đi vào hoạt động, góp phần xúc tiến, quảng bá trực tiếp và sâu rộng hình ảnh đất nước, con người, điểm đến Việt Nam an toàn - thân thiện - hấp dẫn.

Quan trọng là cách làm

Có thể thấy, các giải pháp xúc tiến du lịch được cơ quan chủ quản đưa ra rất rõ ràng và cụ thể nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế của mình một cách triệt để. Từ cách làm của Nhật Bản, ông Lưu Đức Kế đề xuất, sau khi mời các doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan trải nghiệm, nên sắp xếp để lãnh đạo đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương. Cùng với đó, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc hãng lữ hành Hanoi Red Tour đề xuất, Nhà nước nên có những chính sách ưu đãi để các đơn vị lữ hành thiết kế được các tour du lịch giá rẻ. Bên cạnh sự liên kết của các doanh nghiệp địa phương, Nhà nước nên cân đối lịch công tác, kéo dài ngày nghỉ để người dân có điều kiện đi du lịch trong mùa thấp điểm.

Rõ ràng, với bất kỳ thị trường nào, mấu chốt thành công của ngành du lịch phải là tính hiệu quả của hoạt động quảng bá hình ảnh, nghiên cứu thị trường, đưa ra sản phẩm và có cách tiếp thị phù hợp.