Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vào chiều 5/1, theo báo cáo của VNR, trong năm vừa qua, ngành đường sắt đạt doanh thu 8.338 tỷ đồng (đạt 88,8%), lợi nhuận sau thuế dự kiến 137 tỷ đồng, tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt 98,5%... Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại 30 công ty với trị giá là 204,3 tỷ đồng.
Thừa nhận sản lượng và doanh thu toàn Tổng công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR chỉ ra nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác; cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện vận tải cùng sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển và bão lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam Trung bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh vận tải của Tổng công ty. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển kết câu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai,” ông Hoạch giải thích thêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VNR nhìn nhận, các công ty vận tải đã đổi mới về tư duy và cách làm nhưng chưa theo kịp thị trường nên các giải pháp đề ra chưa mang lại kết quả như mong đợi, giá cước vẫn chưa cạnh tranh và phù hợp với thị trường.
Năm 2017, ngành đường sắt đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng đồng thời thực hiện kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2016 từ 5-7% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng vầ 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.
Tổng công ty cũng đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; điều hành vận tải theo đúng biểu đồ chạy tàu; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt đặc biệt tại các ga lớn, trọng điểm về vận tải; lắp đặt cần chắn tự động cho các đường ngang còn lại, nâng cấp đường ngang theo hướng thay thế dần các đường ngang cảnh báo bằng biển báo, xóa bỏ lối đi dân sinh...
Sự cố sập cầu Ghềnh ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và doanh thu của ngành đường sắt. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN) |
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, kiêm phụ trách Hội đồng thành viên VNR cho biết, năm 2016, hạ tầng đường sắt không thay đổi nhiều nhưng đây là một năm bắt đầu vận hành mô hình tái cơ cấu đi vào thực chất, đây là vấn đề tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Đánh giá thảm họa kép sự cố sập cầu Ghềnh chia cắt đường sắt Bắc-Nam và lũ lụt miền Trung đã ảnh hưởng đến vận tải đường sắt và cả đường bộ, Thứ trưởng Đông nhìn nhận dẫu không đạt mục tiêu nhưng sự điều chỉnh về kế hoạch sản lượng và doanh thu đã đưa doanh thu năm 2016 về đích.
Cho rằng năm 2017 hạ tầng không có gì thay đổi nhiều, theo Thứ trưởng, vốn cấp cho ngành đường sắt khoảng 2.200-2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, bảo trì. Về vốn trung hạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ngân sách Nhà nước bố trí nâng cấp, cải tạo điểm nghẽn của ngành.“Đường sắt vẫn chưa thể giảm sự cạnh tranh, đối đầu vì dư địa tăng trưởng các lĩnh vực khác vẫn còn như hàng không, đường thủy, đường bộ. Vì thế, ngành cần phải duy trì ổn định và hướng tới mục tiêu phát triển, khai thác tốt hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chạy tàu. Ổn định có nghĩa là không tụt hậu,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.Thứ trưởng cũng yêu cầu VNR tập trung vào tổ chức tốt vận tải bởi đây là thước đo của lĩnh vực, nâng cao chất lượng vận tải đưa công nghệ mới vào triển khai; quản lý tốt hạ tầng vốn có, không phải một sớm một chiều có hạ tầng hiện đại, không phải hạ tầng 100 năm mà bóc đi mà phải khai thác duy trì tiến tới cải tạo để hệ thống khai thác hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý bảo trì; thực hiện các giải pháp an toàn giao thông đảm bảo chạy tàu, đây là công việc thường xuyên liên tục, phối hợp tốt giữa các lực lượng…