Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm
Trước phản ứng của xã hội và phụ huynh học sinh về những bất cập của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa, Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã vào cuộc, chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động này. Theo Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Đào Tân Lý, khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, giáo viên cần phải thực hiện đầy đủ các tiết bắt buộc theo đúng định mức giảng dạy, không được cắt xén hay giảm bớt, tránh tình trạng giáo viên chưa làm hết định mức đã thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Chỉ khi đã thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ GD&ĐT và còn thời gian trống, giáo viên mới thực hiện tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Trước khi thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường.
Các trường không được sắp xếp các tiết hoạt động ngoài giờ chính khóa xen vào giờ chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tham gia. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh. Nhà trường có thể đưa ra nhiều nội dung, chương trình đa dạng, nhưng cần khuyến cáo không để học sinh chọn tất cả nội dung, chỉ chọn 1 - 2 chương trình, đảm bảo vừa sức, vừa thời lượng, không gây áp lực hay quá tải.
Các hoạt động ngoài giờ cần sắp xếp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng ký của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác. Đối với những học sinh không đăng ký, nhà trường có thể sắp xếp cho học sinh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ.
Để hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa thực hiện đúng yêu cầu, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5333 đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục tới UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, các cơ sở giáo dục đào tạo cả nước.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học. Tại nghị trường Quốc hội, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với đề xuất cần đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
Gỡ rối cho giảng dạy môn tích hợp
Sau 3 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Khoa học tự nhiên được đánh giá là môn học có nhiều điểm nghẽn nhất. Cuối tháng 10/2023, bằng việc ra văn bản hướng dẫn 5636/BGDĐT - GDTrH, Bộ GD&ĐT chính thức có động thái gỡ rối cho công tác giảng dạy môn tích hợp tại các nhà trường.
Tại văn bản này, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bộ cũng lưu ý các nhà trường thực hiện việc phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch và tổ chức các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bộ đề nghị các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu được khoa học, đảm bảo tính sư phạm và khả năng thực hiện của thầy cô. Về kiểm tra, đánh giá, thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với giáo viên khác để thống nhất điểm. Nội dung bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình. Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn Lịch sử và Địa lý đồng thời trong học kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ cũng được thực hiện trong quá trình dạy theo từng phân môn.
Chấm dứt tình trạng xếp hàng trong tuyển sinh đầu cấp
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng xếp hàng xuyên đêm mua/nộp hồ sơ vào các lớp đầu cấp cho con không còn hiếm gặp tại một số trường điểm thuộc Hà Nội như: Trường Marie Curie, Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông), THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), THCS & THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng), THPT Hoàng Cầu (Đống Đa)...
Theo ngành GD&ĐT Hà Nội, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến một số nơi thiếu trường học công lập; tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học cục bộ còn xảy ra; công tác tuyển sinh và nhập học trực tuyến mới thực hiện ở khối trường công lập… là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xếp hàng trong tuyển sinh đầu cấp.
Nắm bắt thông tin trên qua báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về chất trong tất cả các khía cạnh, đảm bảo hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường khoa học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số; yêu cầu Hà Nội dứt khoát không để xảy ra hiện tượng phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng việc thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, chủ động phân tuyến tuyển sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: bắt đầu từ năm học 2023 - 2024, nếu cơ sở giáo dục ở quận, huyện nào còn hiện tượng xếp hàng trong nộp hồ sơ tuyển sinh, nhập học gây mất trật tự an toàn xã hội thì trưởng phòng GD&ĐT đơn vị đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở GD&ĐT. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khi thực hiện cơ chế trên, tự nhà trường, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh; đổi mới công tác quản trị trường học; tất cả các trường sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong công tác tuyển sinh.
Như vậy, với sự đồng hành của truyền thông, ngành GD&ĐT đã nhìn thẳng vào những tồn tại, tích cực đưa ra giải pháp khắc phục để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, mang lại sự hài lòng, yên tâm cho học sinh và phụ huynh.