Ngành giáo dục - thuốc nào chữa bệnh thành tích?

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở bất cứ thời kỳ nào, việc gian lận trong thi cử cũng có nhưng hiện nay việc chạy điểm, chạy lớp, chạy bằng cấp lại xuất hiện hơn bao giờ hết.

Bệnh thành tích trong giáo dục đang dần ăn sâu vào tư duy, hành động của nhiều tổ chức, cá nhân.
Gian lận thi cử xưa và nay
Nước ta vốn có truyền thống trọng sự học, nhân tài xưa đều quyết tiến thân bằng khoa cử. Cổ nhân đã từng quan niệm: “Nhân tài là nguyên khí của nước nhà, mà khoa cử là con đường rộng mở của học trò”, ngày nay câu nói ấy vẫn còn đúng.
Tuy nhiên, thi cử thời nào cũng ghi nhận những vụ gian lận nghiêm trọng liên quan đến chạy điểm để đỗ đạt. Lịch sử ghi nhận, thời xưa cũng có những vụ kết quả thi cử sai lệch bất thường.
Trong Đại Nam thực lục (NXB Giáo dục, 2007) có ghi lại: “Năm Tân Sửu (1841), Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 tên. Bộ Lễ và viện Đô sát tra xét nghị tội. Bọn Bá Quát thú nhận là sính bút làm càn, chứ không ai gửi gắm gì cả. Án xử Quát, Nhạ đều phải tội xử tử...”.
 Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong giờ Toán. Ảnh: Công Hùng
Hoặc trong khoa thi đời vua Lê Dụ Tông năm 1726, trong kỳ thi Hương, có nhiều thí sinh học kém nhưng là con nhà quyền thế, nhờ người “gà” văn nên được đỗ Hương cống. Dân chúng bàn tán xôn xao, Chúa An Đô Vương Trịnh Cương bắt phải thi lại. Kết quả là có 28 công tử nhà giàu bị trượt và bị giao xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng.
Tình trạng chạy điểm từ xưa đến ngày nay vẫn tồn tại, thế nhưng chưa bao giờ diễn ra phổ biến như hiện nay. Điển hình gần đây nhất là sự việc gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến dư luận bức xúc hay kết quả chấm thi một lớp khối 6 của trường THCS Nguyễn Thái Bình có 42/43 học sinh đạt loại giỏi khiến nhiều người hoài nghi.

"Có những trường, những lớp có đến 80 - 90% học sinh đạt loại giỏi, xu hướng chung hiện nay là như vậy. Bởi nhiều cha mẹ bị ảnh hưởng bởi xã hội, muốn con có thành tích, muốn con có học bạ đẹp, hồ sơ đẹp. Cũng vì lâu nay, các cơ quan tuyển dụng thường xét tuyển dựa trên hồ sơ đẹp, học bạ đẹp nên họ làm để chống chế." - TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy)

Nhận định về hiện tượng này, PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc có quá nhiều học sinh đạt điểm 10, xếp loại giỏi là biểu hiện rõ ràng về căn bệnh thành tích. Tình trạng này đã nói từ lâu nhưng mỗi năm, khi đến dịp thi cử, chúng ta lại nhìn thấy và ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh và thậm chí là cả học sinh”.
Nỗi lo hồ sơ, học bạ đẹp
Bệnh thành tích xuất phát từ suy nghĩ của phụ huynh muốn con mình đạt học sinh giỏi để sau này có điểm cộng ở các cấp học cao hơn, hoặc đi du học. Hiện tượng trên không chỉ thể hiện sự suy tư về thành tích của cả giáo viên, nhà trường mà còn cho thấy căn bệnh thành tích đã “ngấm” vào trong suy nghĩ, hành động của phụ huynh và thậm chí là cả học sinh.
PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ: “Bây giờ thi vào một trường chuyên, học bạ của các con có điểm 8 - 9 sẽ phải xếp sau vì nhiều em có điểm 10 quá. Do vậy, phụ huynh học sinh sẽ cảm thấy lo lắng. Vì thế phụ huynh sẽ tìm nhiều cách nâng điểm lên 10 cho con, để con không thua thiệt các bạn khác. Mặc dù, bố mẹ cũng nhìn thấy rằng điểm đó không phản ảnh thực lực của con nhưng họ vẫn cam lòng, vẫn phải làm vì một số mục tiêu khác. Hiện tượng này là căn bệnh trầm kha, tạo nên sự mất niềm tin của cộng đồng. Bây giờ, ai có bằng cấp như thế nào, điểm số ra sao cũng bị nhìn với con mắt đầy hoài nghi”.
Theo các chuyên gia học sinh bây giờ cũng bị bệnh thành tích vì ngay từ nhỏ bố mẹ chỉ vừa lòng khi đạt điểm 9 - 10, còn khi chỉ được 8 điểm là không vui, có lời nhắc nhở thậm chí dọa nạt rằng “không có tương lai”. Dần dần, học sinh có suy nghĩ phải được điểm 9 - 10 nếu không đạt được bằng năng lực của bản thân thì sẽ phải dùng “thủ đoạn” để đạt được, đó là điều không chính đáng.
Ảo tưởng danh hiệu
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều học sinh được “phong” là thần đồng từ cấp 1 đến cấp 3. Ở các cấp học, các em liên tiếp đạt kết quả học sinh giỏi, tham gia vô số các cuộc thi trong nước từ cấp xã, huyện đến quốc gia, quốc tế nhưng không vươn tới đỉnh cao vì không có đam mê.
Nguyên nhân dẫn tới điều này là do các em đang học theo yêu cầu của người khác, chạy đua theo thành tích, và khi mệt mỏi sẽ không có quyết tâm dấn thân theo đuổi đam mê đó cả đời. Điều này cũng gần giống như tư duy đào tạo một cầu thủ đá bóng trong nước, họ có thể đủ khả năng để đá 90 phút trong các trận đấu tầm quốc gia, quốc tế nhưng khi từng cá nhân được “thử lửa” trong môi trường châu lục đã tỏ ra hụt hơi, không vươn tới đỉnh cao.
Để tìm thuốc chữa căn bệnh thành tích, nhiều chuyên gia về giáo dục cho rằng khó có thể xác định phải bắt nguồn từ đâu nhưng những người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường phải là người định hướng, thoát khỏi tư duy chạy theo điểm số, chỉ tiêu. “Nếu người đứng đầu một ngành hay cơ sở giáo dục như một kiến trúc sư trưởng, họ chỉ cập trung vào điểm số, thành tích thì rất khó để mọi người ở dưới thay đổi, thành công.
Là người đứng đầu, họ có thể nhìn nhận sự thành công của học sinh trên nhiều yếu tố. Trong đó, điểm số nên chỉ là một phần, ngoài ra cần có đánh giá dựa trên ý thức khi tham gia các hoạt động xã hội trong trường; mức độ học sinh, phụ huynh cảm thấy hài lòng với trường; mức độ cảm thấy hạnh phúc, gắn bó khi nói về nhà trường… các tiêu chí đó được nhận định là sự tiến bộ của học sinh và môi trường giáo dục. Khi thay đổi tiêu chuẩn đánh giá, để đo lường sự tiến bộ của học sinh thì lúc ấy căn bệnh thành tích sẽ bớt thành tích đi” - PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam cho hay.

"Tôi nghĩ điểm số cao không nói lên năng lực của học sinh, mà thậm chí tạo áp lực cho con. Ví dụ, năng lực chỉ theo học được loại trường/ lớp khá nhưng bố mẹ lại muốn con vào lớp giỏi, chắc chắn sẽ không theo kịp được bạn bè. Trong lớp của con tôi đã có một bạn được bố mẹ chạy cho vào lớp 6 chọn, nhưng sau một học kỳ cháu ấy phải chuyển trường vì không tiếp thu kịp kiến thức thầy cô dạy. Cháu ấy luôn đứng ở vị trí cuối cùng khiến trở nên lầm lũi, mặc cảm, ít giao tiếp với bạn bè.

Thấm thía thực tế hiện nay, gia đình tôi thống nhất quan điểm không chạy đua theo bệnh thành tích và không nhất thiết phải là trường nổi tiếng. Chúng tôi chọn trường đảm bảo tài chính của gia đình để con được học thông suốt. Ở cấp tiểu học, tôi cho con học trường làng ở gần nhà để thuận tiện cho việc bố mẹ đưa đón. Học trường làng nhưng nếu con mình có tố chất thì cháu hoàn toàn có thể học khá và giỏi." - Chị Vũ Thanh Thủy

phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Thủy Trúc ghi)

"Là phụ huynh của hai con đang học tiểu học và THCS, tôi kịch liệt lên án việc chạy điểm để có bộ hồ sơ đẹp vì như thế lại là hại con. Lực học của con đến đâu thì ta hãy để cho chúng tự bước đi đến đó, như thế sẽ chắc chắn và tự tin hơn. Chạy điểm để có hồ sơ đẹp vào trường danh tiếng nhưng lực học của con không tới sẽ khiến chúng hoang mang, sợ sệt, áp lực rồi thu mình.

Thậm chí đã có trường hợp viết tâm thư để lại rồi tự tử chỉ vì áp lực học hành. Nhà có hai con đang đi học trường tiểu học và THCS, vợ chồng tôi thống nhất quan điểm để cho chúng học theo khả năng. Chúng tôi tôn trọng sở thích của con, không tạo sức ép, không coi trọng điểm số. Tôi đã từng xin cho con ra khỏi đội tuyển học sinh giỏi vì không muốn cháu phải dành quá nhiều thời gian cho một môn học.

Ngoài học kiến thức văn hóa, chúng tôi khuyến khích con học kỹ năng mềm để biết cách tự lo cho cuộc sống của bản thân, thay vì kết quả học thật cao, có hồ sơ thật đẹp." - Chị Nguyễn Thu Huyền - Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông (Trần Oanh ghi)