Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại Hội nghị tham vấn Quốc gia lần thứ nhất về Hiệp định Đối tác tự nguyện trong Chương trình hành động tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT/VPA) tổ chứcngày 3 - 4/8 tại Hà Nội.
Nhiều thách thức
Hiện nay, Mỹ và EU là hai thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ chiếm 45% và EU chiếm 30%. Tuy nhiên, cả hai thị trường này đang áp dụng những chính sách thương mại mới nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Trong đó, Luật Lacey của Mỹ đã áp dụng cho đồ gỗ nhập khẩu vào nước này từ ngày 1/4/2010. Từ ngày 3/3/2013, qui định FLEGT của EU sẽ có hiệu lực, trong đó yêu cầu sản phẩm gỗ nhập khẩu vào các nước châu Âu phải đảm bảo tính hợp pháp, truy xuất được nguồn gốc.
Những yêu cầu mới của thị trường đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trong nước. Lâu nay, ngành gỗ của nước ta vẫn chủ yếu áp dụng hệ thống cấp chứng chỉ tiêu chuẩn FSC (Hội đồng quản lý rừng quốc tế). Song thực tế, chỉ những doanh nghiệp lớn mới làm được chứng chỉ này, còn lại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và hộ gia đình áp dụng rất khó khăn do chi phí cao. Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty CP Gỗ nội thất Pisico Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, công ty này phải bỏ ra 8.000 USD phíban đầu cho việc cấp chứng chỉ FSC và 3.000 USD để duy trì đánh giá trong những năm tiếp theo. Theo ông Hoàng Công Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, tỉnh này có 427.000ha rừng, trên 40 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất gỗ. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có một doanh nghiệp áp dụng được chứng chỉ FSC. Nguyên do việc cấp chứng chỉ có quá nhiều khâu và chiphí lớn.
Một trở ngại lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là chúng ta phải nhập 80% nguyên liệu (4 triệu m3 gỗ tròn và phụ liệu từ 26 nước và vùng lãnh thổ). Do đó rất khó kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.
Cần được "cởi trói"
Việc đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ trong nước. Song, để đáp ứng được tiêu chuẩn mà Mỹ hay EU đưa ra, trước tiên phải tháo gỡ "rào cản" từ trong nước. Theo ông Vũ Thành Nam, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện quản lý rừng bền vững và Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam, hiện nước ta có tất cả 63 văn bản qui phạm pháp luật còn hiệu lực qui định liên quan đến sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, một số văn bản còn chồng chéo và chưa thống nhất.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông (Nghệ An), đơn vị quản lý 8.500ha rừng, sản lượng gỗ khai thác và chế biến đạt 4000m³/năm chia sẻ: Cái khó nhất hiện nay là thủ tục hành chính, việc quản lý và cấp chứng chỉ chất lượng gỗ cho doanh nghiệp có quá nhiều bên tham gia. Trong khi đó doanh nghiệp sản xuất theo đơn hàng, thủ tục rườm rà, chậm trễ khiến cho doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về thời gian, số lượng và chất lượng. Do vậy, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để "cởi trói" cho doanh nghiệp. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho rằng, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn, nếu không các doanh nghiệp không thể "bung" ra được khỏi rào cản trong nước chứ chưa nói đến tầm quốc tế.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán với EU để đưa ra khung hoạt động, tiêu chuẩn chung và sớm có hướng dẫn cho các doanh nghiệp bởi chỉ còn khoảng 20 tháng nữa là quy định FLEGT có hiệu lực. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng, chế biến gỗ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn gỗ nhập khẩu vào nước ta.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2010 đạt 3,44 tỉ USD, tăng 10 lần so với năm 2000. |