Trước khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công thương cùng với Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương phân tích những thuận lợi, tháo gỡ những vướng mắc hạn chế để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 21/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì.
Hội nghị lần này là cơ hội để các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và địa phương nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định thương mại tự do mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới, cạnh tranh quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị ''Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý''. Ảnh: Huy Chương |
Ngành nông nghiệp phải chủ động nắm vững thị trường châu Âu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết trong tháng 6, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020, đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Trong đó đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% vào năm 2023 và 7,07 - 7,72% vào năm 2033.
“Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Huy Chương |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Hội nghị lần này là một chương trình khá đặc biệt. Bởi chưa bao giờ ở nước ta có hiệp định nào chưa phê chuẩn mà đã diễn ra những hội nghị quan trọng như thế. Với EVFTA, chúng ta ý thức được tầm quan trọng của hiệp định".
Theo Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Xuân Cường, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cải cách thể chế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm trong nước…
Bên cạnh các cơ hội, thuận lợi nêu trên; khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Các Hiệp định được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo… Đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức lớn, do đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cả về nhận thức, hiểu biết và đặc biệt là về chính sách, thể chế.
Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam khi vào châu Âu
Hiệp định EVFTA sau khi ký kết và chính thức thức có hiệu từ đầu năm sau sẽ có những thuận lợi, ưu đãi trong lĩnh vực nông thủy sản. Các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực công nghệ chế biến ở các ngành nông sản, thực phẩm, thủy sản… sẽ chịu tác động trực tiếp.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Lương Hoàng Thái cho biết: Khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, giảm từ 6%-22% hiện nay về 0%; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây xóa bỏ thuế ngay; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên… cũng vậy. EU cũng dành tổng lượng hạn ngạch gạo khoảng 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%... Một số ít mặt hàng nông sản nhạy cảm không được miễn thuế hoàn toàn nhưng chỉ áp dụng hạng ngạch thuế quan như: Ngô ngọt, tỏi, nấm hương, đường và các sản phẩm có hàm lượng đường cao…
Tuy nhiên, thị trường châu Âu là một thị trường tầm cao nhất đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chất lượng ở mức cao nhất, cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, bà Phạm Thị Hồng Hạnh -–Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những khó khăn và thách thức đối với hàng nông sản khi vào thị trường châu Âu đó là. Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm; Những quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp về kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch, hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ; Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin...