Nhiều kết quả tích cực
Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành TT&TT Thủ đô đã chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, UBND TP, Bộ TT&TT. Qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Được biết, tính đến hết tháng 6/2023, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành, tổ chức triển khai nhiều văn bản quan trọng cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện. Trình UBND TP thành lập Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số TP.
Công tác an toàn thông tin trên địa bàn TP cũng được đảm bảo tốt. Triển khai xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi, quan trọng của TP như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Xây dựng Trung tâm Dữ liệu chính của TP; Xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Hà Nội kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu theo quy định của Chính phủ và Bộ TT&TT …
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn TP và tiếp tục Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Lễ, Tết và sự kiện quan trọng của TP.
Nhờ những nỗ lực trên, ngành TT&TT Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Về công nghiệp công nghệ thông tin, trong 6 tháng đầu 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn TTP về máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đã vượt mốc 1 tỷ USD, ở chiều nhập khẩu là 915 triệu USD.
Đối với lĩnh vực viễn thông, hiện trên địa bàn TP đang có 75 doanh cung cấp dịch vụ viễn thông. Tổng số thuê bao di động đang ở con số 13,8 triệu thuê bao (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022), thuê bao cố định là hơn 371 nghìn thuê bao (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022), số thuê bao Internet băng rộng di động đạt hơn 10,2 triệu thuê bao (tăng khoảng 5% so với 6 tháng đầu năm 2022). Đáng chú ý, Hà Nội đang là địa phương top đầu của cả nước về tốc độ triển khai 5G khi có tới 86 trạm phát sóng công nghệ di động này trên toàn địa bàn.
Cũng từ đầu năm, Sở TT&TT Hà Nội đã thể hiện rõ nét vai trò của mình trong công tác quản lý báo chí, xuất bản và truyền thông. Sở đã tích cực tham mưu TP triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025. Phối hợp duy trì tốt công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước TP Đẩy mạnh hoạt động phát triển văn hóa đọc thông qua các sự kiện như Phố sách xuân năm 2023, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 …
Đối với lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Sở TT&TT đã tích cực rà soát, phối hợp xử lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa”. Tăng cường thẩm định, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng. Tính đến hiện tại đã rà soát, thẩm định 163 video clip trên Youtube, 11 bài biết trên tài khoản Facebook; Rà soát 155 trang thông tin điện tử tổng hợp của 92 đơn vị, chuyển hồ sơ Thanh tra Sở xử lý theo quy định 17 trang thông tin điện tử tổng hợp.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chú trọng. Trong nửa đầu năm 2023, Thanh tra Sở TT&TT đã tổ chức 12 cuộc thanh tra theo kế hoạch về lĩnh vực thông tin điện tử, in phát hành xuất bản phẩm, bưu chính. Bên cạnh đó là 3 cuộc thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước; 5 cuộc kiểm tra tại các hội chợ phát hành sách, cơ sở kinh doanh sim thuê bao di động trả trước, cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 tổ chức, cá nhân số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
Công tác thông tin truyền thông tại các quận, huyện, thị xã cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Các địa phương đã phối hợp tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP năm 2023. Triển khai chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, Mô hình kết nối, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phối hợp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các dịp lễ, tết...; Một số quận huyện đã đăng ký phối hợp triển khai mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình.
Phía Sở TT&TT cũng tích cực phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn TP. Thực hiện kế hoạch Phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP. Tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, ứng dụng sang công nghệ IPv6.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành TT&TT Thủ đô đã tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nhưng theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, trong nửa cuối năm, vẫn còn nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai nhằm thể hiện rõ vai trò của ngành với sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Theo đó, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số thông qua phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của TP. Hoàn thành xây dựng Đề án TP thông minh TP Hà Nội; Xây dựng Danh mục dữ liệu mở TP Hà Nội; Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Danh mục cơ sở dữ liệu của TP Hà Nội; Bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND TP.
Đồng thời xây dựng bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ quan nhà nước thuộc TP. Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm Make in Việt Nam và hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung hoàn thiện trình ban hành và tổ chức triển khai các Kế hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chiến lược quốc gia.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, các kế hoạch của UBND TP về phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP sẽ tiếp tục được triển khai. Công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của TP sẽ đẩy mạnh. Đông thời triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn Thành phố.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng sẽ tiếp tục được chú trọng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của TP trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở. Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan của TP thực hiện tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin báo chí. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025. Cũng như tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP.
Giám đốc Sở TT&TT cho biết, trong 6 tháng cuối năm, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ được tăng cường. Đẩy mạnh tuyên truyền, lan toả thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của TP trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng.
Để thực hiện tốt những mục tiêu trên ngành TT&TT rất cần sự quan tâm, phối hợp và đồng hành của UBND các quận, huyện, thị xã. Cũng như tinh thần đoàn kết, phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức ngành TT&TT Hà Nội cùng chung tay hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.