Nhưng, cuộc gặp này đã bị hoãn lại vô thời hạn vì lý do bận chuẩn bị cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.
“Lỡ hẹn” vì liên hoan phim
Dù sắp đến ngày diễn ra Liên hoan phim (LHP), nhưng những người điều hành vẫn tất bật với việc thay đổi thành phần ban tổ chức. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan sẽ là những người thay thế vị trí Trưởng và Phó ban tổ chức của nguyên Cục trưởng và nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Cũng chỉ vì bận những sự vụ quảng bá bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới đang trong giai đoạn nước rút, rồi quá nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho LHP lần thứ 17 diễn ra vào tháng 12/2011, nên cuộc gặp dự kiến của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh với các nghệ sĩ để tìm ra biện pháp chấn hưng điện ảnh Việt Nam đã phải hoãn lại.
Cho đến giờ, số lượng phim truyện nhựa đăng ký tham dự LHP Việt Nam 17 khá nhiều với tỉ lệ 50/50 giữa phim tư nhân và phim nhà nước. Bên cạnh "Mùi cỏ cháy", "Tâm hồn mẹ" (Hãng phim truyện VN); "Nhìn ra biển ca" (Hoda Films), "Long Thành cầm giả ca" (Hãng phim Giải Phóng) và "Khi yêu đừng quay đầu lại" (Hãng phim Thiên Ngân). Đặc biệt Hãng BHD gửi 4 phim cùng một lúc, trong đó, có bộ phim vừa ra rạp "Hotboy nổi loạn..". Tuy nhiên, với khẩu hiệu đã được khẳng định qua nhiều kỳ liên hoan “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”, hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc... LHP Việt Nam lần thứ 17 cũng chưa nhiều hy vọng cho những biến đổi của ngành, vẫn có thể chỉ dừng lại là cuộc hội tụ của những người làm nghề.
Nỗi lòng biết tỏ khi nào
“Hội nghị Diên Hồng” ở Đồng Mô của lãnh đạo Bộ với nghệ sĩ điện ảnh cách đây 4 tuần đã không giải quyết được hết bức xúc của người trong nghề. Vì vậy, rất nhiều người hy vọng và chuẩn bị những tâm sự để “đối chất” với Bộ trưởng trong tháng 10 này.
Nhìn cái cảnh điện ảnh Việt Nam có quá nhiều vướng mắc lặt vặt, hình như lãnh đạo ngành muốn duy trì cơ chế xin - cho, vì nếu không, họ còn việc gì để làm? Nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã cho rằng: Cần một bản đề án dài khoảng trăm trang cho câu chuyện chấn hưng điện ảnh: Xóa bỏ bao cấp điện ảnh; cấp vốn bằng xác định quyền sở hữu vật chất để các hãng Nhà nước tự gọi vốn, liên kết, liên doanh... Ngoài ra, chế độ thưởng phải đủ để người làm ra bộ phim đó có cơ hội tái đầu tư, và vững tin đi tiếp con đường của mình. Không xét duyệt theo kiểu đấu thầu tù mù, mà là khuyến khích định hướng sáng tác bằng cơ chế thưởng, đó là giải pháp công bằng, sòng phẳng và bền vững nhất có thể hiện nay…”. Thế nhưng cho đến nay, những nỗi lòng mà bà Nhã đau đáu vẫn chưa biết tỏ khi nào.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL sẽ gặp gỡ các nghệ sĩ sau LHP Việt Nam 2011. Đến lúc đó có vẻ hơi muộn. "20 năm nay, rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều ý kiến đưa ra, nhưng rồi đâu lại đóng đó, điện ảnh Nhà nước càng ngày càng yếu kém. Chúng tôi đang ở giai đoạn chán không buồn nói", đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết. Rất nhiều ý kiến đề xuất tổ chức luôn sự kiện này trong khuôn khổ LHP tháng 12 tới, bởi đây là sự kiện tập hợp được nhiều nghệ sĩ điện ảnh trong cả nước tham gia, cũng là dịp thích hợp để bàn về những vấn đề của cả ngành điện ảnh.