Câu hỏi
Vừa rồi xảy ra đối tượng ngáo đá cầm dao vào trường mầm non ở Tiền Giang bắt giữ, uy hiếp trẻ em, giật điện thoại di động của cô giáo… Xin hỏi luật sư, trường hợp này đối tượng mất khả năng kiểm soát hành vi vì sử dụng trái phép chất ma túy liệu có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trả lời
Hành vi của đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các học sinh và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của giáo viên, hành vi có dấu hiệu của tội cướp tài sản và tội đe dọa giết người.
Mặc dù tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng đang mất khả năng kiểm soát hành vi vì sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, theo quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc sử dụng trái phép chất ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi giật điện thoại của giáo viên được thực hiện như thế nào, hành vi có thể hiện mục đích để chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu có việc dùng vũ lực để lấy điện thoại của nạn nhân, đây là hành vi cướp tài sản, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 168 Bộ luật Hình sự về tội cướp tài sản.
Còn đối với hành vi đe dọa giết người, nếu hành vi này khiến cho nạn nhân sợ hãi và những người khác lo sợ hậu quả chết người có thể xảy ra thì thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Với hành vi giữ người trái pháp luật, cơ quan chức năng sẽ làm rõ, có thể hành vi này bị hút vào tội đe dọa giết người chứ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội độc lập.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng, hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử lý về tội danh đó. Nếu một hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh, sẽ xử lý ở tội danh có mức hình phạt cao hơn. Nếu có những hành vi không thỏa mãn dấu hiệu định tội nhưng có thể xem xét là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc dấu hiệu tăng nặng cũng áp dụng để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.
Với diễn biến của sự việc như trên, thấy hành vi đoạn đe dọa giết người là rõ nhất và có thể xử lý về tội danh này. Còn đối với hành vi giật điện thoại phải làm rõ hành vi có thể hiện mục đích chiếm đoạt hay không, có làm hư hỏng chiếc điện thoại hay không để xem xét xử lý về tội danh nào cho phù hợp.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn