Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày 4/4 hàng năm sẽ là “Ngày của Phở” Việt Nam tại Nhật Bản ​

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/4/2016, tại Trung tâm EXPO City Osaka đã diễn ra Lễ công bố và trao giấy chứng nhận ngày 4/4 hàng năm là “Ngày của phở” tại Nhật Bản

Tham dự buổi lễ có ông Trần Đức Bình - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka; ông Muraoka Hiroshi - Chủ tịch Công ty Acecook; ông Kase Kiyoshi - Chủ tịch Hiệp hội các ngày kỷ niệm Nhật Bản và diễn viên nổi tiếng Ayaka Miyoshi và đông đảo người dân Nhật Bản.
Ngày 4/4 hàng năm sẽ là “Ngày của  Phở” Việt Nam tại Nhật Bản
Ngày 4/4 hàng năm sẽ là “Ngày của Phở” Việt Nam tại Nhật Bản
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Đức Bình - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, đánh giá cao việc công nhận ngày 4/4 là “Ngày của phở” tại Nhật Bản, nhằm tôn vinh món phở truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.
Tổng Lãnh sự cũng chia sẻ mong muốn sự kiện này giới thiệu để người dân Nhật Bản hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam với các món ăn ngon nổi tiếng, qua đó giúp người dân Nhật Bản hiểu thêm về văn hóa Việt Nam và đưa Việt Nam đến gần hơn từng người dân Nhật Bản.

Sau lễ trao giấy chứng nhận, ông Muraoka Hiroshi, Chủ tịch Công ty Acecook cho biết, Acecook bắt đầu đưa món phở ăn liền vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Toàn bộ nguyên liệu bánh phở của sản phẩm phở ăn liền được làm từ gạo của Việt Nam nhằm tái hiện một cách trung thực hương vị của món ăn tinh tế này. Nước súp cho các sản phẩm phở ăn liền được nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất theo hương vị của những quán phở ngon nổi tiếng trên khắp đất nước Việt Nam để tạo ra sản phẩm phở ngon, hợp khẩu vị với người dân Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên món phở truyền thống của Việt Nam nổi tiếng khắp nơi trên thế giới có một ngày kỷ niệm riêng. Ngày 4/4 được chọn vì số 4 trong tiếng Anh khi phát âm giống âm “phở” để giúp mọi người dễ nhớ.

Buổi lễ diễn ra vào ngày cuối tuần đúng thời điểm hoa anh đào nở rộ thu hút sự chú ý đặc biệt của hàng chục nghìn lượt người dân Osaka và các thành phố lân cận tới tham quan. Các bạn lưu học sinh Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại khu vực Kansai cũng đã đến tham dự để ủng hộ cho sự kiện.

Phở là món ăn đặc trưng, đã đi vào thơ ca như một cái đẹp. Tùy bút “Phở” của Nguyễn Tuân đã làm cho Phở Việt Nam không chỉ là một món ăn đơn thuần.

Ông viết: “Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúỵ Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khỏe.”

Và ngày nay, trong một xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, Phở được coi như một sự tự hào của văn hóa Việt, của con người Việt Nam. Phở đã trở nên món ăn được nhiều nước trên thế giới yêu thích.