Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ngày hội non sông trên đất Tổ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bức tranh gốm màu lớn nhất Việt Nam (hơn 500m2) với chủ đề "Ngày hội non sông trên đất Tổ" đã được dựng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh chắn sau khán đài B của trung tâm lễ hội Đền Hùng.

KTĐT - Bức tranh gốm màu lớn nhất Việt Nam (hơn 500m2) với chủ đề "Ngày hội non sông trên đất Tổ" đã được dựng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh chắn sau khán đài B của trung tâm lễ hội Đền Hùng.

Bức tranh sẽ khánh thành trong dịp diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2011 để khách thập phương chiêm ngưỡng.


Bức tranh gốm màu có hình tượng "Vầng nhật nguyệt" là Trời, khai thác từ hình tượng mặt trời của các trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn. Hai bên nằm trên vòng bán nguyệt tượng trưng là Đất, có bố cục một bên là Rồng, một bên là Phượng, đó là hình tượng trong tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng), đồng thời là biểu tượng của nòi giống Con rồng cháu tiên. Phía dưới là hình tượng nhân dân các dân tộc trên cả nước quy tụ về đây. Nổi bật là sáu cô gái xếp hàng đôi dâng lễ vật: Bánh chưng, bánh dày. Đây là lễ vật đặc trưng nhất trong ngày giỗ Tổ.


Lễ hội Đền Hùng là nơi quy tụ các nền văn hóa các dân tộc của cả nước. Xuyên suốt bức tranh là hình tượng quả trứng lấy từ truyền thuyết "Trăm trứng trăm con". Quả trứng được thể hiện với các cảnh: "Rước kiệu Đền Hùng", "Rước Lúa Thần", "Rước Chúa Gái", "Hội Phết". Mở đầu từ bên trái là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ với đàn con đang hăng say lao động, dù là trên rừng hay dưới biển đều sống trong tình đoàn kết, thương yêu, thể hiện một đất nước thịnh vượng ấm no, hạnh phúc. Kết thúc là hình tượng đất Tổ Phú Thọ hôm nay và ngày mai. Xen kẽ là hình ảnh các lễ hội truyền thống: Bơi thuyền, đánh đu, đánh trống, đâm đuống, kéo co,
hát xoan...

 

Trên bầu trời rực rỡ, cờ Tổ quốc, cờ lễ hội với những đàn chim từ bốn phương trời quy tụ về nơi đất Tổ, cũng là điểm nhấn trọng tâm trong ngày Quốc giỗ, phần nào đã làm thỏa mãn nguyện vọng của nhân dân cả nước và những người "con Việt" sống ở khắp mọi miền khi hành hương về đất Tổ.

Để thực hiện được bức tranh gốm sứ kỷ lục này, họa sĩ Mai Văn Kế và các đồng nghiệp đã nung nấu ý tưởng và chuẩn bị trên 10 năm nay. 1.300 bức gốm kết thành bức tranh gốm màu này. Họa sĩ Mai Văn Kế và họa sĩ Lê Ngọc Hân là tác giả của bức tranh. Kiến trúc sư Ngô Thanh Tùng là chủ nhiệm đồ án.