Thông tin này được lãnh đạo Bộ Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại buổi họp báo Khai giảng năm học mới 2016 - 2017 diễn ra chiều ngày 4/9. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã có Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017 của ngành giáo dục tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Trong đó giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Đồng thời khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động. Trao đổi với báo chí về dự thảo sửa đổi một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Thông tư 30 tinh thần là tốt, chuyển căn bản từ cách đánh giá cho điểm sang tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực và các phẩm chất, rất cần động viên, khuyến khích và đánh giá bằng lời. Được thực hiện ở nhiều nước, qua thực tiễn, nội dung thông tư có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã rút kinh nghiệm, tính toán có lộ trình bước đi phù hợp trong điều kiện của chúng ta. Thí điểm làm sao cho thật vững chắc rồi nhân rộng, đặc biệt là có sự chuẩn bị cả về con người. Các thầy cô phải được hướng dẫn, có cơ sở trường lớp để thực hiện. Khi thực hiện Thông tư 30, các thầy cô phải ghi chép nhiều thì trong dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư này có sự lượng hóa và sử dụng công nghệ thông tin về tính toán hồ sơ và phương pháp đánh giá bằng phần mềm rất tiện lợi. Về việc đánh giá thường xuyên theo mức độ A, B, C, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng không phải là "bình mới rượu cũ" của cách cho điểm. "Bản chất của mức độ A, B, C không phải là cho điểm mà là thang bậc của sự tiến bộ. Khi các cháu đạt được mức độ A, có nghĩa không chỉ tiến bộ về năng lực, kiến thức, phẩm chất, mà hoàn thành tốt, có sáng tạo. B là các cháu có tiến bộ nhưng ở mức vừa phải. Chỉ đạt C là các cháu cần phải cố gắng phấn đấu hơn nữa, chứ không phải chê các cháu kém.... Việc học sinh chỉ đạt mức C thì bố mẹ, thầy cô và bản thân các cháu phải cố gắng. Đánh giá theo mức A, B, C là để thấy được sự tiến bộ của trẻ".