Bởi vì, trong khi rất nhiều tổ chức thế giới đưa ra những xếp hạng hạnh phúc lạc quan cho người Việt, thì thực tế xã hội lại đang tồn tại rất nhiều bất ổn, lo lắng về việc làm, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông…
Mơ hồ khái niệm hạnh phúcPGS.TS Lê Ngọc Văn – Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng Việt Nam chưa từng có nghiên cứu khoa học về hạnh phúc. Niềm hạnh phúc chủ yếu được đánh giá theo cảm nhận, và điều này có từ ngàn xưa. Hiện nay, Việt Nam đã có đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Tuy nhiên, đề tài này đang triển khai, nên chưa công bố kết quả để ứng dụng thực tế.Phụ huynh cho trẻ vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Công Hùng |
Chính vì chưa có đề tài nghiên cứu nên chỉ số hạnh phúc của người Việt chủ yếu dựa trên những đánh giá của thế giới. Năm 2016, theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF) - một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế - xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh - Việt Nam vừa được đánh giá là nước hạnh phúc thứ 5 trên thế giới và đứng đầu châu Á. Năm 2012, theo một đánh giá khác Việt Nam vươn lên xếp thứ 2 thế giới về chỉ số hạnh phúc. Không ít người nghi ngờ về chỉ số xếp hạng này. Người cho rằng, đó là những điều tra khoa học không chính xác. Ý kiến khác tin tưởng chỉ số xếp hạng lại phê phán người Việt sống quá lạc quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quan niệm về hạnh phúc của Việt Nam không trùng với thế giới. “Đối với thế giới, hạnh phúc không phải là những gì vui sướng hân hoan phấn khởi mà hạnh phúc gồm cả nỗi buồn, sự lo lắng và cả những mất mát đau khổ. Nhưng cộng trừ sự vui sướng với đau khổ thì sự vui sướng nhiều hơn thì đó là hạnh phúc” - PGS.TS Lê Ngọc Văn cho biết. Kinh nghiệm thế giới cho thấy ở các nước nghèo điều kiện vật chất tăng lên thì hạnh phúc tăng lên rất nhanh nhưng các nước giàu vật chất, hạnh phúc không tăng lên mà phụ thuộc vào sự cống hiến, sự thỏa mãn cá nhân.Trên thực tế, theo PGS.TS Lê Ngọc Văn, nhiều nước trên thế giới coi nghiên cứu về hạnh phúc là khoa học thực thụ để giúp Chính phủ hoạch định và điều chỉnh chính sách phát triển bền vững. Nó không chỉ là đánh giá để giúp con người ta cảm nhận, mà giúp Chính phủ có những điều chỉnh chính sách hợp lý. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng đến nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc của người Việt.Bất ổn, lo lắng tăng lênTS Nguyễn Hồi Loan - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu Việt Nam đứng thứ 2 hay thứ 5 trên thế giới về hạnh phúc như các chỉ số xếp hạng được công bố thì đó đúng là giấc mơ vì thực tế thì không phải như vậy. “Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?” - TS Nguyễn Hồi Loan băn khoăn.Nhiều nhà xã hội học cho rằng, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn. Ví dụ, an toàn trong môi trường xã hội, những dịch vụ cơ bản trong cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực nhất. Một người có hạnh phúc hay không bắt đầu từ những thứ giản dị như vậy. Và nếu chỉ cần lướt trên mạng thông tin hàng ngày ở Việt Nam, những điều giản dị ấy chưa đáp ứng nhu cầu hạnh phúc thứ hạng cao của người Việt.Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi: “Tại sao mấy chục năm về trước đói rét khó khăn hơn bây giờ nhưng rõ ràng chúng ta hạnh phúc hơn? Sự lo âu, sự bất trắc, sự lo ngại, sự hoảng sợ, hoang mang ngờ vực tăng lên rất nhiều. Chưa kể mức độ phạm tội ở các loại lứa tuổi lên đến đỉnh điểm. Trước kia cũng có giết người nhưng giết người bây giờ ở đỉnh điểm của mức độ phạm tội và những vấn đề khác” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ. |