Buổi tối hôm trước cũng tại nơi này đã diễn ra một sự kiện "độc nhất vô nhị", đó là vinh danh nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi tròn 100 tuổi. Thật cảm động khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự, xem hết cả vở "Ni cô Đàm Vân" rồi lên sân khấu tặng hoa, chúc mừng các nghệ sĩ.
Tôn vinh các nghệ sĩ lão thành tại Ngày Sân khấu Việt Nam lần 3.
Những người của giới sân khấu gặp nhau tay bắt mặt mừng, điềm tĩnh, nhưng tình cảm sâu nặng với những người đã cùng mình sống trong thời hoàng kim của sân khấu để cùng nỗi niềm ưu tư khi sân khấu các rạp hát chẳng sáng được đèn. Anh em bạn nghề thoáng buồn nhớ đến những người đã đi xa: Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Ánh, Đoàn Anh Thắng, Dương Ngọc Đức, Từ Lương, Hà Nhân, Thuỳ Chi, Vũ Minh… Vẫn biết tuổi già là mong manh, hờn mát là "tương lai của kiếp người", nhưng mỗi khi ngắm nhìn những nghệ sĩ cao tuổi: Đình Quang, Trần Bảng, Ngọc Phương, Sỹ Hanh, Tất Đạt, Đặng Trần Cần, Xuân Huyền vẫn buồn đến nao lòng…
… Không thể phủ nhận, trong giới sân khấu không có những Lã Bất Vi tài năng có hạn, nhưng thủ đoạn móc ngoặc, luồn lọt để leo lên cao như ở một vài lĩnh vực khác. Nhưng đáng mừng nhất đây là Hội nghề nghiệp của những người được đào tạo cơ bản, bởi sân khấu không có người "tay ngang". Trên cái sân gỗ chiều ngang 12 mét, chiều rộng cỡ ấy, người diễn viên là nhân vật trung tâm, chí ít phải là người có thực tài để nhớ lời kịch và nhiều khi phải dùng cả thân thể của mình để thể hiện nhân vật mình diễn tả bằng "một đúp ăn ngay". Vì thế theo phản xạ: “Dễ làm khó bỏ”, chỉ có diễn viên sân khấu đi làm người mẫu, ca sĩ, tiếp viên hàng không, thậm chí là hoa hậu chứ chẳng có nghề nào trong showbiz chọn một nghề khó là sân khấu. Cũng chính vì vậy, chỉ những diễn viên sân khấu giỏi mới thành công trong điện ảnh nhưng ngược lại ít diễn viên điện ảnh giỏi thành công trên sân khấu. Và cũng vì có học nên trong sân khấu có sự "tôn sư trọng đạo", biết phục tài và cầu thị, biết liêm sỉ và trọng danh dự chứ không "cá mè một lứa" sẵn sàng thoá mạ dìm hàng nhau như một số "sao" của showbiz vẫn làm.
Hơn một thập kỷ gần đây, truyền hình được gió, giờ phát sóng suốt cả ngày đêm, nên đã có không ít nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng nói rằng: Nhà nước coi Điện ảnh là con nuôi mà coi Truyền hình là con đẻ, là "con gà đẻ trứng vàng" nên có không ít đạo diễn điện ảnh dằn hắt phim truyện, ve vãn phim truyền hình. Ấy thế mà các nghệ sĩ sân khấu vẫn thể hiện họ là những người thuỷ chung với nghề. Ngoài Bắc vẫn có: Trọng Khôi, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hoà, Lê Khanh, Hương "bông"... phía Nam vẫn có Thành Lộc, Thái Hoà, Minh Nhí, Ngọc Trinh, Hạnh Thuý, Trịnh Kim Chi, Lan Phương đóng phim để kéo khán giả đến với sân khấu. Và thật cảm động khi cố NSND Song Kim đã có một tuyên ngôn nghề nghiệp thật là dứt khoát: "Kiếp sau nếu được làm người/Tôi xin trở lại cuộc đời diễn viên".
Anh em bạn nghề hiểu để có được Ngày giỗ Tổ và Đêm vinh danh nhà văn, nhà viết kịch Học Phi trang trọng vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phải lên kế hoạch từ năm trước và căng người chuẩn bị từ vài tháng trước. Vì vậy, giá như sự kiện được truyền hình trực tiếp để toàn thể khán giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài được thấy cảnh một nhà văn 100 tuổi vẫn minh mẫn phát biểu ý kiến và ngay phía sau ông là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngồi chăm chú lắng nghe thì ai cũng sẽ hiểu: Đảng và Nhà nước vẫn rất chăm lo đến văn hoá văn nghệ và bên cạnh những chương trình truyền hình thực tế, VTV vẫn có những chương trình có ý nghĩa chính trị như vậy.
Phải chăng sân khấu không đáng để họ đầu tư vì không có những scandal "lộ hàng", "dàn xếp tỷ số"… nên sân khấu không hấp dẫn khán giả, không gọi được các nhà tài trợ, mang lại lợi ích kinh tế cho đài truyền hình như Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Idol và The Voice… Bao lâu nay giới sân khấu mong có một kênh truyền hình về sân khấu truyền thống mà không có nổi, mỗi tháng chỉ có một số Sân khấu truyền hình. Trong khi đó thì lạm phát các chương trình truyền hình thực tế là các gameshow, lấy văn hoá phương Tây làm chuẩn mực cho nên ngay cuộc thi giọng hát Việt vẫn cứ thi bằng bài hát Tây và để "lọt lưới" các chương trình ca nhạc chứa không ít ca khúc não tình. Và từ đó đã gián tiếp tạo nên một "thế hệ gấu bông, gấu ôm" vô cảm, vô trách nhiệm, những "fan cuồng tuổi teen" quỳ xuống hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi.
Vài suy nghĩ từ Ngày Giỗ Tổ Sân khấu, để thấy đã đến lúc cần có những động thái chấn chỉnh hợp lý. Đã muộn nhưng dù muộn vẫn hơn không, để góp phần chấn hưng nghệ thuật sân khấu, một bộ môn nghệ thuật đã góp tài năng và trí lực của mình trong suốt hai cuộc kháng chiến của đất nước.