Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề báo đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, cần đổi mới phương pháp truyền tải kiến thức để bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại.

Theo Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Đỗ Thị Thu Hằng: Nghề báo, bản thân nó là một nghề đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, để bắt kịp xu hướng hội tụ truyền thông và truyền thông đa phương tiện, mỗi nhà báo phải chủ động học tập kiến thức cơ bản và hiện đại, tích cực tiếp cận và rèn kỹ năng nghề nghiệp tích hợp. Đồng thời có sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến, luôn nỗ lực, chủ động rèn nghề, học nghề, khiêm tốn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, vững vàng và kiên định thực hiện sứ mệnh của mình. Tôi nhấn mạnh tính chủ động và ý thức của nhà báo về nghề nghiệp và quá trình rèn luyện.
TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu trong một hội thảo khoa học.
TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu trong một hội thảo khoa học.
Những yêu cầu, thách thức của xã hội đã nêu trên buộc các cơ sở đào tạo báo chí phải thay đổi. Đối với cơ sở đạo tạo báo chí trong nước, tiêu biểu là các khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay, đang xây dựng những thang đo mới cho mục tiêu đào tạo. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy kiến thức, nghề cho sinh viên báo chí. Tiêu chí đo “đầu vào” và đánh giá kết quả đào tạo “đầu ra” của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bước đầu thể hiện quyết tâm đổi mới bắt kịp xu thế và yêu cầu của thời đại.

Nguyên lý sinh viên ra trường cần được trang bị kiến thức căn bản về nghề báo, đáp ứng những yêu cầu mang tính gốc rễ của nghề, trên cơ sở đó phát triển kiến thức, kỹ năng mới - mang tính tích hợp, đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng báo chí hiện đại hiện nay. Tránh quan niệm sai lầm rằng nhà báo cứ có hiểu biết công nghệ và ngoại ngữ là “số một” mà thiếu quan tâm đến những yêu cầu mang tính cốt lõi của nghề. Do đó, bất cứ học viên nào cũng cần học các học phần căn bản nhất như: Lý thuyết truyền thông, Cơ sở lý luận báo chí, Lao động nhà báo, Kỹ thuật và công nghệ báo chí - truyền thông, Luật pháp và đạo đức báo chí. Tăng cường đào tạo thực hành nghề báo, gửi sinh viên báo chí ra các cơ quan báo chí có uy tín và các nhà báo giỏi để đào tạo nghề.

Còn với những nhà báo đã vào nghề lâu, ngoại ngữ, công nghệ truyền thông và các kỹ năng ứng dụng công nghệ trong nghề báo là các học phần bổ trợ không thể thiếu trong đào tạo báo chí hiện đại. Điều quan trọng là cần hiểu đúng vai trò của các cơ sở đào tạo báo chí trong nước hiện nay, đồng thời tránh  “tranh công, đổ lỗi” khi đánh giá phẩm chất và năng lực nhà báo. Báo chí là nghề đặc biệt, yêu cầu mỗi nhà báo phải học tập suốt đời. Một cơ sở đào tạo báo chí có tầm nhìn cũng sẽ quan tâm đến chiến lược “đào tạo suốt đời” đó.