KTĐT - "Tôi khẳng định với em rằng khán giả Hà Nội khó tính nhất nước nhưng lại là những khán giả chung thủy nhất. Rất khó chiếm được cảm tình của khán giả thủ đô", Hồng Vân chia sẻ.
Người con gái quê gốc Bắc Ninh đã trở thành diễn viên nổi tiếng từ những vai hài đến những vai diễn đằm thắm. Chị còn được biết đến là một "bầu" sân khấu có hạng ở thành phố mang tên Bác. Chị là Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Vân (NSƯT) Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn rất thân tình, cởi mở cùng chị.
- Chị có thể nhận xét đôi nét về tình hình sân khấu khoảng năm năm trở lại đây?
Nếu hơn 10 năm trước thì sân khấu miền Bắc khá phát triển. Nhưng khoảng năm năm trở lại đây đã có sự hoán đổi. Trước đây, trên “đường đua” sân khấu hai miền có vẻ song song, còn bây giờ sân khấu miền Bắc và Hà Nội đang yên ắng.
- Chị có nhận mình là một trong những người làm sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng lên?
Không dám đâu! Tôi không nhận vậy đâu, chỉ là góp phần nào thôi! (cười)
- Chị có thấy nhận xét “Sân khấu xôm là nhờ hài kịch, còn chính kịch bị lép vế” là đúng?
Hoàn toàn không. Chỉ có một giai đoạn đầu sẽ là như thế. Sân khấu hài chỉ ồn ào một thời gian. Sau rồi người ta chán xem hài đấy. Chính kịch mới là thứ hút khán giả lâu nhất.
Nghe tôi kể là em thấy liền này. Một tuần tại sân khấu Phú Nhuận của tôi có bảy suất diễn, chỉ có một suất hài kịch thôi. Hai suất kịch kinh dị. Còn lại bốn suất là kịch tâm lý dữ dội luôn (cười). Kịch dài có cả bi lẫn hài sẽ sâu sắc và đậm chất đời sống hơn. Còn tại sân khấu Kim Châu, chúng tôi chỉ diễn kịch kinh dị thôi. Khán giả có tầm không xem hài hoài đâu, họ chán rồi.
- Bao giờ sân khấu của chị cũng có các tác phẩm văn học đặc sắc, chị cho biết hướng phát triển này ra sao?
Đó không còn là hướng phát triển. Đó là con đường. Chúng tôi diễn “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng 10 năm liền. Liên tục tuần nào cũng diễn. Trong 10 năm, sáu diễn viên kế tiếp thay nhau vào vai Xuân Tóc đỏ. Và chúng tôi còn thành công khi đưa các vở diễn văn học vào nhà trường như một hoạt động ngoại khóa.
-Thay diễn viên để nhân vật không già đi nhưng với những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam như thế, làm sao để không bị cũ, thưa chị?
Phải tìm ra tính ‘thời sự”, tác phẩm lớn bao giờ cũng có giá trị với mọi thời. Tránh cái nhìn hạn hẹp mà khai thác từ những vấn đề muôn thuở của con người. Ví dụ như trong vai bà Phó Đoan, tôi đã thể hiện bi kịch số phận của người phụ nữ góa chồng sớm này.
- Một câu hỏi ngỡ hơi buồn cười, theo chị dàn dựng một vở kịch nhanh hay kỹ càng thì tốt hơn?
Cách nào cũng tốt. Làm sân khấu cần biết sân khấu lúc trồi, lúc sụt. Lúc cần phải nhanh thì tập trung làm nhanh cũng tốt. Vấn đề là đạt hiệu quả. Sân khấu mà, mỗi lần diễn lại được củng cố thêm.
-Thế còn việc chị có tiếng là bà “bầu” mát tay vì đã ươm mầm và đem đến cho công chúng những diễn viên trẻ tài năng?
Cái đó thì cũng có, nhưng cơ bản là tôi thấy rất cần tạo cơ hội cho các bạn trẻ. Tôi nghĩ phải xô họ ra nghề diễn để cho khán giả biết và đón nhận. Chứ như anh Bảo Quốc trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết rồi, có tham gia hay không một vai diễn cũng không thay đổi gì.
Nhưng với diễn viên trẻ thì sẽ khác nhiều đấy. Đó là tạo cơ hội cho các gương mặt mới khẳng định mình và cũng đem đến sự đổi mới cho sân khấu. Như Bình Minh, Lan Phương chẳng hạn...
Bình Minh toàn vào vai khó như vai Vũ Trọng Phụng trong “Kỹ nghệ lấy Tây”, vai thương binh Hùng trong “Mẹ và người tình”. Toàn vai khô cứng mà Bình Minh diễn được lắm.
Nhà văn quân đội Chu Lai khi coi Bình Minh diễn còn khen: “Tôi chưa xem ai diễn vai lính dễ chịu như Bình Minh.” Còn Lan Phương vào vai Ly Ly cũng yêu lắm!
- Đó là các diễn viên TP. Hồ Chí Minh, chị có nhận xét gì về diễn viên Hà Nội?
Thực tế, tôi chỉ được làm việc chung với các diễn viên hài như anh Xuân Hinh, Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Quốc Khánh… trong một số chương trình của VTV3 hoặc một số show diễn. Phải nói là diễn viên miền Bắc giỏi, cực giỏi. Mỗi người một nét.
Tôi mà có được những diễn viên đó cùng làm, thì tôi không để phí thế. Tiếc lắm! Tôi cũng không hiểu cơ chế ở các đoàn ngoài đó thế nào, có khi diễn viên giỏi lại như chưa đủ tiêu chuẩn gì đó để đóng vai chính vậy.
Tôi đã coi vở “Mỹ nhân và anh hùng”, thấy Xuân Bắc trong một vai phụ mà thấy phí quá. Như Xuân Bắc phải đưa vào vai nam chính.
- Còn nhận xét của chị về khán giả Hà Nội?
Tôi khẳng định với em rằng khán giả Hà Nội khó tính nhất nước nhưng lại là những khán giả chung thủy nhất. Rất khó chiếm được cảm tình của khán giả thủ đô. Nhiều diễn viên trong TP. Hồ Chí Minh nói đến ra ngoài đó diễn là sợ lắm. Nhưng họ chưa hiểu rằng, một khi đã được khán giả Hà Nội thương thì thương bền bỉ luôn.
- Vậy bao giờ chị sẽ “kéo quân” ra Bắc để đến với khán giả Hà Nội?
Tôi thèm vô cùng một lần được kéo quân ra Bắc. Nhưng sân khấu của tôi là sân khấu tư nhân không có sự tài trợ của bất cứ lực lượng nào về tài chính. Việc đi lại ăn ở, lo điểm diễn, thu hút khán giả ở xa quả là thử thách rất lớn.
Vào dịp Liên hoan sân khấu do Bộ Công An và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tới đây, đã có lời hứa tài trợ cho chúng tôi 90 triệu…Hy vọng sẽ có hội ngộ sân khấu hai miền ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!