Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ thuật công cộng: Gương mặt của đô thị hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dự án nghệ thuật trong không gian mở đang tựa như “trái tim” của nghệ thuật đương đại, cũng chính là “nỗi khát khao” của các đô thị hiện đại.

Người Hà Nội đã nhận ra điều đó, đã thèm những “chiếu nghỉ” cho đời sống tinh thần, những “mồi câu” để phát triển du lịch và tạo “thương hiệu” cho TP. Song còn rất nhiều barie đứng ngang con đường đưa nghệ thuật công cộng (NTCC) hòa nhịp đời sống.

Đã nhìn ra và đã hướng tới

NTCC đã chạm chân tới Việt Nam với khá nhiều hình thức: Âm nhạc, nghệ thuật âm thanh, trình chiếu video, ánh sáng, sắp đặt, trình diễn, tranh gốm, tượng đài, vườn tượng, nghệ thuật graffiti… Càng ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…, NTCC càng có vẻ “quen biết” hơn. Các nghệ sĩ sáng tác tác phẩm tại những không gian chung hoặc ngay trên đường phố, tạo ra cuộc đối thoại với không gian của TP và cả người dân sống trong khu vực đó.

 
Khách tham quan tại Trung tâm văn hóa Italia. Ảnh: Chiến Công
Khách tham quan tại Trung tâm văn hóa Italia. Ảnh: Chiến Công
Khởi đầu từ những chương trình văn hóa cộng đồng của các đại sứ quán và trung tâm văn hóa nước ngoài như Goethe, LSpace…, sau đó, các nghệ sĩ đã “dắt tay nhau” vào cuộc. Sớm nhất ở Hà Nội có thể nói là họa sĩ Trần Lương “mở màn” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại, Nhà sàn Đức đã thu hút được khá nhiều tên tuổi trẻ nuôi khát vọng về nghệ thuật mới với nhiều tính thể nghiệm. Ở miền Nam có Nguyễn Như Huy với Zero Station, rồi Ngô Lực, Himiko Nguyễn… Những dự án khởi đầu có quy mô nhỏ, mang tính thể nghiệm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, mời một vài người dân tham gia tương tác với nghệ sĩ, sau đó mở rộng về cự ly và mang tính xã hội nhiều hơn, như những dự án đem nghệ thuật lên vùng cao, dự án graffiti đường phố…

Đến thời điểm này thì các dự án NTCC đã có thể liệt kê trong đời sống. Không chỉ các nghệ sĩ tự mày mò mở cửa các cuộc trình diễn, mà các tổ chức, đơn vị đã vào cuộc, công chúng cũng hăng hái tham gia. Chỉ ở riêng Hà Nội đã có thể điểm danh: Họa sĩ Đào Anh Khánh với mỗi năm một “Đáo xuân”; hòa nhạc Luala concert đã mấy mùa xuống phố Lý Thái Tổ với đủ mặt các giọng ca tên tuổi trong làng nhạc Việt; lễ hội đếm ngược chào năm mới năm nào cũng hẹn người dân tại quảng trường trước cửa Nhà hát Lớn; vườn tượng đã được mở ra ngay bên hồ Hoàn Kiếm; Con đường gốm sứ đã mặc áo mới cho đoạn đê dài chạy qua các cửa khẩu ven sông Hồng; rất nhiều cuộc trình diễn, trưng bày nghệ thuật ngoài trời nối đuôi nhau tại không gian bên tượng đài Lý Thái Tổ, Manzi Club, các trung tâm văn hóa Italia, Pháp, Đức, Hàn Quốc… Không ai phủ nhận, các dự án nghệ thuật đã mang đến cho người dân một sự tương tác mới, phản ánh được không gian đô thị hoặc khu phố nơi họ sống, nơi họ lui tới vui chơi. Nhiều người còn nhận ra rằng, NTCC có tác động mạnh mẽ tới nền công nghiệp sáng tạo thông qua việc làm rõ nét bối cảnh sáng tạo của một TP. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều người nói rằng, NTCC chính là gương mặt của TP để bất cứ du khách nào khi tới thăm sẽ nhận ra ngay đời sống tinh thần, gu thẩm mỹ, phong cách và chiều sâu lịch sử, văn hóa của TP đó.

Vẫn là những…“nốt lặng”

Không phải chỉ riêng người trong cuộc hiểu NTCC là xu hướng của đô thị hiện đại. Song câu hỏi thường trực lúc này là: Tìm đâu ra những không gian chung cho các cuộc chơi nghệ thuật ấy? Giới làm kiến trúc, điêu khắc trong nước còn phải thừa nhận, ở các đô thị lớn của Việt Nam, do thiếu quy hoạch bài bản và thiếu cả tiêu chuẩn trong xây dựng, thiết kế các công trình này nên nói chung, tình trạng chắp vá, yếu kém về chất lượng và nhầm lẫn khái niệm vẫn hay xảy ra với các công trình lớn, nhỏ. Bên cạnh đó còn là nỗi buồn trong cách mà người ta ứng xử với các sản phẩm NTCC đã hiện hữu trong đời sống.

Chẳng nói đâu xa, vườn tượng “nội địa” đầu tiên của Thủ đô nằm bên cạnh đền Ngọc Sơn – dự án NTCC được nhà điêu khắc Trần Tuy khởi nguồn từ năm 2004, như thể “đứa con rơi” chỉ một thời gian ngắn sau khi “khai sinh”. Đội ngũ bảo vệ rút đi, các bức tượng bắt đầu bị xâm hại, người ta vội đem cất đi những bức tượng đồng, chỉ để lại đó những tượng đá. Vậy mà tác phẩm này thì sứt mẻ, tác phẩm kia lại nhòe đi các chi tiết vì bụi bẩn thời gian. Rập rình đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vườn tượng được chỉnh trang chút ít, các bức tượng hỏng được thay thế. Song còn lại hơn chục tác phẩm chẳng cái nào có tên, có lời giới thiệu, cũng chẳng được ai chăm bẵm, làm sạch…, vườn tượng không thể gọi tên là Vườn tượng. Còn nhớ trước đó 7 năm, một vườn tượng khởi nguồn từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Việt Nam cũng đã dừng chân tại Vườn Bách thảo. Song số phận của “đứa con rơi” cũng đẩy công trình NTCC ấy vào lãng quên. Con đường gốm sứ được xem là điểm nhấn đẹp đầu tiên về tác phẩm đặt ở nơi công cộng, cũng không hiếm lời kêu than vì nứt vỡ, vì bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, dựng xe, bị người vô ý thức biến thành nơi “xả thải”…

Rồi từ trước đến nay, mỗi khi có một sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao hay hoạt động mang tính chất lễ hội cộng đồng, thì địa điểm được chọn không đâu khác là các đảo giao thông, hay đường phố. Đi kèm với đó là việc ngăn đường hoặc chấp nhận ùn tắc giao thông. Các buổi trình diễn của dự án nghệ thuật đường phố Luala Concert thì phải mượn vỉa hè Nhà xuất bản Âm nhạc để hòa nhịp… Quảng trường sân tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Cách mạng Tháng Tám, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… luôn là các điểm được chọn và luôn lặp đi lặp lại cảnh tượng tắc đường, tìm chỗ gửi xe như vậy. Nói như một người trong nghề, vấn đề nan giải của tương quan nghệ thuật và công cộng ở Hà Nội hay các đô thị lớn khác đã kéo dài hàng chục năm, có lẽ sẽ vẫn chưa được giải quyết. Bởi quy hoạch đô thị không bắt nhịp được với những biến động nhanh, mạnh trong nhu cầu của một xã hội đã bắt đầu bắt nhịp xu hướng xã hội toàn cầu.

Trông người ngẫm ta

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật xây dựng hiện đại, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, khiến ai nấy đều có cảm giác NTCC bị lãng quên. Điều này diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, chứ chẳng riêng gì ở đô thị Việt Nam, song chính phủ ở nhiều nước đã nỗ lực để khắc phục tình trạng này. Họ khuyến khích phát triển NTCC bằng cách đưa ra những chính sách như trích 1% ngân sách để cho NTCC (gọi tên là Phần trăm cho nghệ thuật). New York đưa ra điều luật trích không dưới 1% đối với công trình xây dựng trị giá 20 triệu USD và không dưới 0,5% đối với các công trình trên 20 triệu USD cho NTCC. Toronto (Canada) thì đưa ra luật chung là trích 1% ngân sách các công trình xây dựng bất kể lớn nhỏ cho NTCC. Tại Anh thì việc trích phần trăm này là do thỏa thuận giữa chính quyền TP và các chủ đầu tư...

Ngoài sáng kiến bằng chính sách đó, rất nhiều dự án nghệ thuật đã được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa. Tất cả làm nên sự năng động trong đời sống tinh thần của một TP: Những tác phẩm nghệ thuật đẹp nơi công cộng, niềm tự hào cho người dân, kích thích sáng tạo cho nghệ sĩ và thế hệ trẻ tiếp nối, thể hiện gu thẩm mỹ cũng như đời sống văn hóa của chủ nhân TP... Song đúng như họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã có lần chia sẻ trong một bài viết: Những hoạt động này có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của những người đứng đầu TP cũng như nỗ lực sáng tạo và cống hiến của các nghệ sĩ.

 
Đại diện Nhóm Sembilan Matahari (Indonesia): Cần những không gian để có thể cân bằng
Ngày nay, quyết định ưu tiên của các nhà sản xuất trong TP nghiêng nhiều hơn về nền kinh tế công cộng, nên các không gian công cộng đang bị bỏ quên. Tuy nhiên, không gian TP không phải luôn luôn được lấp đầy với các không gian thương mại, tràn ngập trên bảng, biển, trung tâm mua sắm. Chúng ta cần những không gian để có thể cân bằng, có cơ hội phát triển. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các nghệ sĩ tham gia vào một số dự án video mapping. Điều mà chúng tôi mong muốn đạt được là tác động sau khi chúng tôi trình diễn ở không gian đó. Chẳng hạn như ở Bandung (Indonesia), trước khi chúng tôi tổ chức video mapping ở các tòa nhà thì các khu vực đó, người ta thường dùng để tổ chức các cuộc biểu tình, diễu hành khiến đường phố đông đúc, ô nhiễm, nhiều rác rưởi. Sau khi trình diễn video mapping, người ta nhìn vào khu vực đó với một cách tư duy và con mắt khác. Rồi chính quyền bắt đầu nhìn nó với tư duy khác hơn và kêu gọi mọi người không bán hàng rong và vứt rác bừa bãi. Họ bắt đầu dọn dẹp, các hộ gia đình xung quanh bắt đầu sử dụng đó làm nơi vui chơi, giải trí, dạo mát vui vẻ vào ngày cuối tuần... Chúng tôi đã đạt mục tiêu đặt ra là thay đổi không gian công cộng.
Curator Nguyễn Anh Tuấn: Tính đến lợi ích cộng đồng
 Ở đây, chưa bàn tới một vài yếu tố cho nghệ thuận công cộng như đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp, quy hoạch không gian công cộng, giáo dục thẩm mỹ, năng lực nghệ thuật..., nhưng tôi cho rằng, có một điểm quan trọng chính là nhận thức sâu sắc về lợi ích cho cộng đồng. Chỉ khi mỗi cá thể trong cộng đồng gắn lợi ích của mình vào lợi ích chung, nghệ thuật cộng đồng mới có cơ hội phát triển mạnh, và xã hội mới thu được những lợi ích đáng có.
            Khánh Nguyệt ghi