Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ thuật kìm nén sự tức giận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một điều kỳ lạ là càng làm việc với cô tiếp tân, tôi càng thấy phục tính tình điềm đạm ôn tồn của cô.

KTĐT - Một điều kỳ lạ là càng làm việc với cô tiếp tân, tôi càng thấy phục tính tình điềm đạm ôn tồn của cô. Dù bận rộn hoặc bực mình đến mấy, ít khi thấy cô gắt gỏng quát nạt với bất kỳ ai, dù là với người trẻ tuổi hoặc làm chức vụ thấp.

Ở hãng tôi từng làm có người nữ đồng nghiệp đã lớn tuổi làm tiếp tân. Thông thường ai cũng nghĩ rằng người tiếp tân là bộ mặt công ty, sẽ là một thiếu nữ trẻ trung tươi mát mang lại sinh khí cho văn phòng. Vì thế, khi vào làm ở hãng này tôi có ý xem thường công ty và không đánh giá cao cô tiếp tân đã không còn trẻ lại chẳng được ưu đãi về nhan sắc. 

Lúc đó tôi là một nữ viên chức đang lên, nhưng trong công việc thường xuyên gặp nhiều phiền toái. Tôi quyết định xem xét lại cách thức làm việc của mình. Tôi để ý rằng mọi việc nhân viên trong phòng mình xử lý đều tốt nhưng dường như hơi quá tải, trong khi các phòng ban khác việc cứ ro ro chạy. Đó là vì sự ân cần và nhiệt tình của cô tiếp tân lớn tuổi kia trong việc xử lý công việc mà các phòng ấy sắp xếp cô vào như một mắt xích của quy trình hoạt động.


Nhìn kỹ lại thì cô tiếp tân không chỉ là một người trực điện thoại và chuyển máy cho các anh chị em đồng nghiệp; cô cũng không chỉ là một người hầu như không biết nói tiếng Anh mà chỉ thuần Việt khi thưa gửi với sếp Mỹ, mà là một phụ nữ đa năng và chuyên cần, chịu khó. Cô luôn cảm thấy vui vẻ và có ích khi được giúp đỡ các đồng nghiệp, và đóng góp vào sự phát triển của công ty.

Tìm hiểu kỹ hơn thì cô từng làm tạp vụ ở công ty cũ của sếp, và được cất nhắc làm “bộ mặt” của công ty mới này. Từ đó tôi trở nên ngày càng phục người đồng nghiệp lớn tuổi, một người thiếu ngoại ngữ, vi tính, cũng không được trang bị những kỹ năng công sở cần thiết để thành công, mà vẫn cố gắng xoay xở để làm tốt công việc và làm hơn trách nhiệm được giao để giúp đỡ đồng nghiệp, làm lợi cho tổ chức.

Một điều kỳ lạ là càng làm việc với cô tiếp tân, tôi càng thấy phục tính tình điềm đạm ôn tồn của cô. Dù bận rộn hoặc bực mình đến mấy, ít khi thấy cô gắt gỏng quát nạt với bất kỳ ai, dù là với người trẻ tuổi hoặc làm chức vụ thấp. Điều này khiến ngựa non háu đá như tôi không ngừng thán phục và thầm nhủ phải học được bí kíp này.

Tôi được nhìn nhận là người biết khen đồng nghiệp đúng và rất hay, nhưng đồng thời cũng có thái độ dễ khiến người khác buồn mỗi khi không vừa lòng. Khi không vui, tôi có giọng nói khó nghe, âm điệu chưa dễ thương, và lời lẽ thì chỉ người nói nhìn nhận là đúng vào thời điểm nói mà thôi. Mỗi khi nóng giận, tôi thử hít một hơi và nhớ đến người đồng nghiệp lớn tuổi này để trau mình, nhưng xem ra việc học tập không tiến bộ như tôi mong muốn.

Vào dịp tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp dọn dẹp công ty, và khi vô tình sử dụng điện thoại tại bàn làm việc của cô tiếp tân, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ được dán ngay ngắn vào một vị trí dễ thấy trên bàn. Chữ viết của cô tiếp tân vừa đẹp vừa ngay ngắn, “Hậu quả của cơn giận lớn hơn rất nhiều so với nguyên nhân của nó”.

Đến thời khắc ấy, tôi ngộ ra rằng thay đổi thói quen, hoặc thay đổi tính cách là điều rất khó và cần có phương pháp; nhắc đi nhắc lại điều cần thay đổi cũng là một cách hay. Tuy vậy, cách hay hơn cả là gần gũi và làm bạn với những người mà mình yêu quý và cảm phục, học hỏi cách họ đã làm điều ấy như thế nào. Nó sẽ tiết kiệm cho chúng ta biết bao thời gian mò mẫm tự học trong những ngổn ngang của cảm xúc, để quản trị nó, hiểu biết về nó để có thể làm chủ thành công và hạnh phúc.