70 năm giải phóng Thủ đô

Nghị định số 98/NĐ-CP: Chưa đi vào thực tiễn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm có hiệu lực, việc triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến nghị định này chưa thể đi vào thực tiễn.

Mô hình trồng rau thủy canh của một doanh nghiệp tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn
Chưa có chủ thể được hỗ trợ
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, Nghị định số 98 nhận được sự quan tâm lớn của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn. Sau khi được niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, nhiều chủ thể là DN, hợp tác xã (HTX), nông hộ… đã từng bước tiếp cận. Toàn huyện đã có 6 chủ thể gửi hồ sơ xin được hỗ trợ theo Nghị định số 98. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đủ điều kiện để được TP, huyện phê duyệt hồ sơ.

Là một trong những HTX lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cũng chưa thể tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định số 98. Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, hồ sơ để xin hỗ trợ còn rất phức tạp. Các HTX còn khá mơ hồ, phải tự đi mày mò khiến việc tiếp cận khó khăn.

Không chỉ riêng huyện Đông Anh, nhóm các HTX, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, toàn TP hiện vẫn chưa có chủ thể nào được TP, các quận, huyện, thị xã phê duyệt hỗ trợ theo Nghị định số 98. UBND TP Hà Nội đã giao nguồn kinh phí trên 16 tỷ đồng để triển khai việc hỗ trợ theo Nghị định số 98. Tuy nhiên, do khó khăn trong thực hiện cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Chi cục đã phải xin cắt giảm kinh phí được giao của năm 2020.

Tăng cường phổ biến, hướng dẫn

Thực hiện Nghị định số 98, HĐND - UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để tổ chức triển khai đến các cấp, ban ngành, quận, huyện, thị xã. Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung của nghị định đến cán bộ quản lý, DN, HTX, chủ thể sản xuất… Sau 3 hội nghị triển khai, đã có hơn 20 chủ thể liên hệ với Chi cục để được tư vấn xây dựng dự án liên kết.

Thực tế, Nghị định số 98 có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường liên kết, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Mặc dù vậy, việc triển khai tại không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, TP trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Nghị định số 98 đặc biệt quan trọng trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, bởi đây được xem là chính sách mang tính toàn diện, đồng bộ. “Nếu không tập trung được nguồn lực để sản xuất theo chuỗi giá trị thì ngành nông nghiệp sẽ khó phát triển. Nếu không tiếp cận theo nhu cầu người tiêu dùng thì nông sản Hà Nội cũng khó có thể cạnh tranh. Chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới giải quyết được những vấn đề này…” – ông Tường nhấn mạnh.

Để Nghị định số 98 sớm đi vào thực tiễn, ông Tường cho biết thời gian tới, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là tới các DN, HTX, chủ thể sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn… Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các chủ thể đã có, hoặc đang xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tích cực tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nội dung đề xuất theo Nghị định số 98, trình cơ quan chức năng thẩm định hỗ trợ.
Nghị định số 98 có ý nghĩa rất tốt, nhưng vướng mắc là khi thực hiện phải dùng nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nhiều văn bản khó làm. Do đó cần có hướng dẫn càng cụ thể càng tốt. Bên cạnh đó, nghị định gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư nên các DN, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực. Điều này với DN lớn thì dễ nhưng với DN nhỏ, HTX thì khó, và cần được xem xét thêm…

GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung – Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn