Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị lực phi thường của chàng trai xe lăn với ước mơ làm lập trình viên

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã trôi qua, tại điểm thi trường THCS Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), nhiều người không khỏi xúc động, cảm phục khi chứng kiến cảnh một ông bố cõng con bị khuyết tật vào điểm thi.

Nỗ lực phi thường
Trong 528 thí sinh dự thi THPT Quốc gia tại điểm thi trường THCS Minh Khai, Đặng Văn Hanh (SN 1997-Tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) là một thí sinh đặc biệt. Hình ảnh chàng trai khuyết tật ngồi xe lăn, với cặp kính cận dày cộp, luôn nở nụ cười tươi, đầy tự tin đã gây ấn tượng với chúng tôi và những cán bộ coi thi.
Chàng trai khuyết tật Đặng Văn Hanh trò chuyện cùng bố, cán bộ coi thi và các tình nguyện viên tại điểm thi trường THCS Minh Khai (phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm) sau môn thi Ngữ Văn.

Ông Đặng Văn Kiểm (SN 1956, bố của Hanh) tâm sự, năm lên 4 tuổi sau một trận sốt dịch, Hanh bị liệt nửa người, giọng nói bị méo tiếng, chân tay teo, chỉ viết hay làm được tay trái. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình em đã chạy chữa khắp nơi nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Em không thể tự làm được gì nếu không có người khác giúp. Vừa bị liệt nửa người, lại bị thay đổi về hình dáng, mỗi khi nhìn con nằm cong như dấu ngã, ông Kiểm lại ứa nước mắt vì thương con.
Số phận trớ trêu là vậy nhưng tất cả những đớn đau ấy vẫn không ngăn được ham muốn và lòng quyết tâm được đến trường, trau dồi tri thức. Hanh khao khát được đi học giống như đó vốn là một nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Ước mơ đó đã thành hiện thực khi Hanh bước sang tuổi thứ 8.
Bí thư Đoàn phường Minh Khai Nguyễn Thanh Chuyền thăm hỏi, động viên chàng trai khuyết tật Đặng Văn Hanh sẽ hoàn thành tốt kỳ thi Quốc gia.
Kể từ đó đến nay, 12 năm qua, ông Kiểm không quản nắng mưa, kiên trì, miệt mài cõng con trên chiếc xe đạp cũ, khăn gói cùng con vượt qua những chặng đường gian lao để giúp con chạm vào giấc mơ đại học. Gần như không có tuổi thơ khi đôi chân đã bại liệt, hoàn cảnh như thế nhưng chưa bao giờ Hanh có suy nghĩ nản lòng với việc học hành. Hanh luôn lạc quan, nuôi ước mơ, vượt qua tất cả bằng nghị lực phi thường với thành tích 11 năm là học sinh giỏi trên chiếc xe lăn. Đằng sau kết quả ấn tượng của Hanh là sự nỗ lực phi thường.
"Bí quyết" của em đó là luôn nghĩ về những điều tích cực và tự tin về chính mình. Cuộc sống luôn có niềm vui, nỗi buồn. Cuộc sống của em vui nhiều hơn buồn, mà nỗi buồn lớn nhất của em là hơi thấp một chút so với mấy bạn thôi", Hanh chia sẻ.
Lấy chiếc khăn vắt trên vai, lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, ông Kiểm tiếp lời con, khi biết Hanh có quyết tâm học, ông và gia đình lo lắng “đến mất ăn mất ngủ”. “Lo vì sức khỏe con yếu không theo được các bạn. Một phần vì nhà nghèo, bố chỉ là công an viên (giờ là bảo vệ của Tổ dân phố) sợ không đủ tiền cho con ăn học. Thế nhưng, thấy con ham học và quyết tâm gia đình tôi cũng sẽ cố gắng ở bên con”, ông Kiểm tâm sự.
Chắp cánh cho con vào đại học
Mặc dù cuộc sống gia đình khó khăn, đang thuộc diện hộ cận nghèo của phường, nhưng ông Kiểm vẫn cố gắng nỗ lực lao động và vay mượn ngân hàng để 4 người con được ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, 3 người con của vợ chồng ông đã làm trong các cơ quan Nhà nước.
Ông Đặng Văn Kiểm (bố của Hanh) động viên con tự tin, chiến thắng trong kỳ thi này.

Còn với Hanh, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Hanh thi tổ hợp Tự nhiên và nộp nguyện vọng vào trường ĐH Bách Khoa và ĐH Quốc Gia Hà Nội (khoa Công nghệ thông tin). Hanh cho biết, em có ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi, có thể sáng tạo nên nhiều phần mềm mới giúp cho các DN sáng chế ra những chiếc xe lăn để người khuyết tật dễ dàng hơn trong việc di chuyển, hoạt động.
Sau giờ thi buổi sáng đầu tiên, Hanh cho biết, em làm bài tương đối tốt và rất hi vọng sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi năm nay. “Biết bản thân tật nguyền nên em chỉ mong ước học thật tốt và có một cái nghề để nuôi bản thân và sau này đáp lại công nuôi dưỡng của bố mẹ, nhất là bố em, người đã đồng hành cùng em trong suốt những năm tới trường”, Hanh bộc bạch.
Sau khi thi môn đầu tiên, hai bố con Hanh nhận những suất cơm, nước từ thiện của Quận Đoàn Bắc Từ liêm để chuẩn bị buổi chiều thi tiếp. Rời phòng thi, hình ảnh chàng trai xe lăn với tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường cùng giọng nói khó nghe vẫn cứ “ám ảnh” trong tôi mãi không thôi.