Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8 tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng, từ đó khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Khung khổ pháp lý đã có, vấn đề còn lại là khả năng thực thi cũng như kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện để ngăn chặn các tiêu cực.
Khi Nghị quyết có hiệu lực, hàng loạt các cơ chế mới sẽ được áp dụng cho ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong đó đáng chú ý là trao quyền cho ngân hàng, VAMC thu giữ tài sản đảm bảo và được xử lý tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo… Đây chính là những điểm nghẽn lâu nay trong việc xử lý nợ xấu.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khi ngân hàng đòi nợ, khách hàng không hợp tác để xử lý tài sản đảm bảo, khiến cho việc đòi nợ xấu vô cùng khó khăn và kéo dài. Nghị quyết của Quốc hội không tạo ra đặc quyền nào cho ngân hàng mà đưa ra khung khổ pháp lý để có cơ sở xử lý khi xảy ra tình huống bất khả kháng.
“Lâu nay một lực lượng lớn cán bộ của hệ thống ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu, thậm chí đến 4-5 năm chưa xong thì nay phải làm nhanh hơn. Khi đã có khung khổ pháp lý ngân hàng luôn mong thực thi phải hiệu quả. Muốn làm được điều này sẽ không phải câu chuyện của ngân hàng, là việc của các Bộ, ngành khác như tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan công an... khi đó mới thực thi có hiệu quả”, ông Dũng cho biết.
Hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đã bắt tay vào thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, các khoản nợ sẽ được phân loại và có biện pháp xử lý riêng. TAND Tối cao cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các Toà án địa phương tiến tới xử lý các văn bản liên quan đến nợ xấu. Còn với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đến thời điểm này, số nợ xấu được mua về gần 290.000 tỷ đồng, trong đó đã xử lý gần 60.000 tỷ đồng. Như vậy vẫn còn tới 230.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, từ nay đến năm 2022 sẽ phấn đấu xử lý cơ bản nợ xấu mua của các tổ chức tín dụng tính từ thời điểm này về trước. Trong những năm tới, các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển nợ trong hạn, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu bán về VAMC. Đơn vị này sẽ phân loại xử lý và áp chế tài trong Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu nhanh và thuận lợi hơn.
“Trước đây, thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, tổ chức tín dụng hoặc VAMC phải thông qua toàn án thụ lý, xử lý cho đến khi ra bản án, chuyển qua cơ quan thi hành án trung bình mất 3-7 năm. Khi có Nghị quyết, tất cả trình tự thủ tục rút gọn, xử lý tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản đảm bảo, thủ tục được rút gọn còn 3- 6 tháng, tiến độ đẩy nhanh, tập trung hỗ trợ xử lý nợ xấu của nền kinh tế”, ông Đông khẳng định.
Một điểm đáng chú ý nữa là Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Quy định này mới này sẽ giúp giá bán nợ xấu, tài sản đảm bảo cao hơn và thời gian xử lý nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cần lưu ý khi bán nợ và bán tài sản bảo đảm dưới giá trị sổ sách. Nghị định cho phép nếu chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá bán là âm thì ngân hàng được dự phòng khấu trừ trong 5 năm, có thể dẫn đến sổ sách chưa minh bạch và có tài sản ảo trong hệ thống ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách cần ghi nhận ngay và cần sự chấp nhận lớn của ngân hàng. Vì có những món nợ ngân hàng bán ra chiết khấu giảm giá từ 20- 50%, thậm chí đến 90% do khả năng thu hồi là rất thấp.
“Trong trường hợp món nợ bán ra tạo sự thiệt hại lớn cho ngân hàng, cần phải hạch toán ngay thiệt hại đó vì đó là thiệt hại thực tế, khấu trừ lợi nhuận, hoặc trừ vào vốn chủ sở hữu và giảm vốn chủ sở hữu để nhìn đúng thực lực ngân hàng. Đây là điều quan trọng vì nợ xấu lên 600.000 tỷ đồng gần bằng vốn chủ sở hữu tất cả các ngân hàng khoảng 680.000 tỷ đồng. Một món nợ xấu thường thiệt hại 50%, tức 300.000 tỷ đồng trừ vào vốn chủ sở hữu kéo theo hệ số an toàn vốn giảm từ 12% xuống 6-7%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Nghị quyết 42 sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, áp dụng đối với toàn bộ nợ xấu tính đến thời điểm trước khi Nghị quyết có hiệu lực (trước ngày 15/08), được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong xử lý nợ xấu, hướng đến giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để hình thành cơ chế mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường công khai, minh bạch và đủ sức hút đối với nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa những yếu tố có thể biến thành nợ xấu, nâng cao trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm để nợ xấu phát sinh.