Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý bài toán ngân sách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỷ lệ ngân sách TP Hồ Chí Minh được giữ lại có thể chỉ còn 18% (giảm 5% so với con số 23%) hiện đang là câu chuyện được quan tâm trên nghị trường Quốc hội.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn này, tỷ lệ điều tiết ngân sách với Hà Nội cũng giảm đáng kể, từ con số hơn 40% có thể chỉ còn ở mức chưa đến 30%.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện phân chia “miếng bánh” ngân sách hay điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và địa phương không phải là câu chuyện mới, nhưng luôn “nóng” mỗi kỳ Quốc hội. Theo nhiều đại biểu (ĐB), cũng bởi cân đối thu chi ngân sách Nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiện thu không đủ bù chi, chi đầu tư phát triển đang giảm dần trong khi chi thường xuyên mỗi ngày một tăng. Năm 2016 là năm cuối của chu kỳ ổn định ngân sách và theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thì ở giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương "phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên hoặc tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên".
Thống kê cho thấy, con số những địa phương có điều tiết thu về ngân sách về T.Ư cũng chỉ ở mức 13 tỉnh, TP, trong đó chủ yếu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Ngược lại, 50 địa phương được sử dụng 100% nguồn thu tại địa phương và còn được nhận bổ sung hỗ trợ từ ngân sách T.Ư để cân đối thu, chi. Trong khi một thực tế không vui vẫn đang diễn ra, nhiều tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp nhưng lại luôn chi tiêu vượt định mức, giới hạn, còn buông lỏng quản lý tài chính để nợ đọng nhiều, tạo áp lực lớn về nợ công. Hay câu chuyện nhiều tỉnh, thành xin ngân sách xây trụ sở, làm các công trình không cấp bách ít nhiều vẫn diễn ra khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Bởi thế, thu tốt phải đi với chi đúng và triệt để tiết kiệm. Việc siết chặt kỷ luật ngân sách, phấn đấu tăng thu để tăng chi và nếu địa phương nào giảm thu kiên quyết phải giảm chi liên tục được đặt ra.
Sở dĩ TP Hồ Chí Minh, hay Hà Nội lo lắng nếu bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách lớn cũng bởi TP lớn, đầu tàu cần nguồn vốn để đầu tư phát triển. Hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho một TP đông dân, từ môi trường, hạ tầng… Và tất cả các nội dung đó đều cần phải có nguồn lực. Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, nếu chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thì TP sẽ thiếu sự chủ động. Cho nên tốt nhất là giữ nguyên còn nếu được thì tăng tỷ lệ điều tiết cho TP trong một thời hạn nhất định. Đó là giải pháp tốt nhất để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có của TP, cũng là góp phần tăng trưởng cho đất nước.
Dù rằng tâm lý chung là muốn xin được giữ lại cho mình "miếng bánh" ngân sách nhiều hơn. Nhưng một vấn đề cũng từng được đặt ra trong câu chuyện phân chia tỷ lệ điều tiết ngân sách là làm sao để khuyến khích được sự tăng thu, tránh tâm lý “thu nhiều thì phải nộp nhiều, được để lại ít” hay ỷ lại, trông chờ vào ngân sách cấp trên rót xuống. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, một đồng ngân sách cũng là tiền của dân, do đó cần đầu tư đúng chỗ để chính nó tạo ra nguồn lực mới góp phần cho cái chung cũng rất đáng suy ngẫm.