Trong khi cơn sốt liên quan đến đội bóng trẻ U19 HAGL chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì đâu đó, người ta phải chứng kiến sự thoái lui của nhiều nhà tài trợ, đẩy nhiều đội bóng giàu truyền thống có nguy cơ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.
Từ cầu thủ trẻ đi chuyên cơ…
Lần đầu tiên sau hàng chục năm, những khán đài trên SVĐ Cần Thơ được lấp kín. Đáng nói ở chỗ, ngay cả thời mà Cần Thơ thi đấu thành công nhất vào những năm 1990 thì SVĐ này cũng không được lấp đầy. Khi ấy, người ta đã tự hỏi về tính hợp lý của việc xây một SVĐ có sức chứa lên đến 40.000 chỗ ngồi ở một TP tầm trung như Cần Thơ?
Một pha tranh bóng trong trận đấu giữa U19 HAGL gặp U21 Malaysia.
|
Thế mà bây giờ, cái SVĐ có sức chứa tưởng chừng quá lớn ấy bỗng trở nên quá chật chội trước sự yêu mến của người hâm mộ dành cho các ngôi sao trẻ. Và, lần đầu tiên người ta mới thấy cảnh sân Cần Thơ có… phe vé! Những tấm vé vào sân nay trở thành món hàng giá trị. Đương nhiên, nhà tổ chức giải U21 Quốc tế cảm thấy hạnh phúc bởi lần đầu tiên trong đời, họ lại có khoản thu lớn đến vậy từ bán vé, bán bảng quảng cáo.
Tình cảm U19 HAGL khiến người ta coi việc cho các cầu thủ trẻ được hưởng sự biệt đãi là điều hết sức bình thường. Họ tin, các cầu thủ trẻ xứng đáng được đi chuyên cơ, thưởng thức những bữa ăn trị giá hàng triệu đồng và được săn đón như người nổi tiếng. Và, người ta cũng quên mất một điều, ở giải đấu đang diễn ra tại Cần Thơ còn có một đội bóng khác với rất nhiều tài năng trẻ, đó là U21 Việt Nam. Đương nhiên, đội bóng ấy không thể được săn đón bằng đội bóng của bầu Đức vốn đang được chăm sóc bởi một hệ thống hoàn hảo và thường trực.
… đến bóng đá miệt vườn lo đói
Thực ra, chúng ta nên mừng khi các cầu thủ trẻ HAGL có được một ông bầu nhiệt huyết và giàu có, nuôi tham vọng quảng bá DN bằng thanh danh của đội bóng vì nhờ những điều này mà các cầu thủ của U19 HAGL được chăm sóc đến tận răng và bất cứ hoạt động nào của họ cũng được đẩy lên thành sự kiện tâm điểm.Nhưng, không thể không chạnh lòng bởi hình ảnh tươi sáng mà U19 HAGL đang tạo ra không phải là tất cả bức tranh của nền bóng đá. Có chăng, đó chỉ là một trong vài điểm sáng le lói trong một bức tranh có gam màu chủ đạo là tối, xám. Bởi, rất gần Cần Thơ - nơi U19 HAGL đang được coi là dải ngân hà, thì tại An Giang, Đồng Tháp, người hâm mộ phải đau đầu với câu hỏi: "Cuối tuần đi đâu khi không còn bóng đá" vì đội bóng của họ đã giải tán do không còn DN "đỡ đầu".
Sự cay đắng mà người yêu bóng đá xứ miệt vườn đang phải nếm trải khác hẳn với tâm trạng của những ai yêu quý U19 HAGL hay một đội bóng khác là Bình Dương. Nghiệt một nỗi, những địa phương như An Giang, Đồng Tháp rất khó kiếm được đại gia hay những tập đoàn kinh tế sẵn sàng "chống lưng". Ấy vậy mà trong "cơn say" kéo dài suốt mười mấy năm qua, thay vì nghĩ cách kiếm tiền, hay chí ít là chi tiêu chắt bóp, những đội bóng địa phương lại học cách tiêu tiền như những đại gia. Khi trở lại với thực tế, họ đã bị sốc và không còn đủ vốn liếng để theo đuổi cuộc chơi tốn kém, và buộc phải chọn cho mình cái cách chẳng đặng đừng là rời bỏ cuộc chơi.