Giá dầu, lợi nhuận xuất khẩu chính của Nga, đã tăng gần 14% kể từ giữa tháng 8 vừa qua. Điều này phần lớn là do việc nối lại lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, làm nghẹt nguồn cung dầu thô từ nước này.
Trong khi đó, giá trị đồng Ruble đã giảm 15% kể từ tháng 4, khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Vì vậy, cũng giống như giá dầu, giá đồng USD tăng lên và đồng Ruble trở nên yếu thế trong giao dịch.
Tuy những ngày gần đây, giá dầu và đồng Ruble đang có dấu hiệu đảo chiều khi đồng USD giảm nhưng nền kinh tế Nga đã được hưởng lợi trong nhiều tháng trước đó từ những đồng Ruble bèo bọt đổ vào kho bạc nhà nước và lợi nhuận tăng vọt ở các nhóm năng lượng khổng lồ nước này. Năm nay, cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất dầu Rosneft Oil và Lukoil Oil của Nga lần lượt tăng 56% và 39%, thuận lợi hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác trong ngành tại phương Tây.
Ông Viktor Szabo, Giám đốc quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi Aberdeen, nhận định: "Nga đang mạnh hơn với giá dầu cao và đồng Ruble thấp từ góc độ ngân sách".
Vào cuối năm ngoái, một thùng dầu đã mang lại hơn 3,835 Ruble cho thương nhân Nga sau khi được chuyển đổi từ USD. Giờ đây, con số đó đã là 5.262 Rubble/thùng, tăng gần 40%.
Rosneft, tập đoàn sản xuất dầu được ước tính lớn nhất thế giới, là một trong những đơn vị tại Nga thu được lợi nhuận khủng, với mức tăng được báo cáo là gần 50% thu nhập trước lãi, thuế và khấu hao trong quý II so với 3 tháng trước đó.
"Nga đã thích ứng với giá dầu thấp và lệnh trừng phạt một cách đầy ấn tượng", các nhà phân tích tại CreditSights nhận xét, "nợ chính chủ của Moscow vẫn ở mức thấp hợp lý và cổ phiếu của các khoản nợ bên ngoài hiện đã giảm đáng kể".
Các biện pháp trừng phạt cũng giúp đất nước bạch dương giảm nợ nước ngoài của mình tại đúng thời điểm nó bắt đầu tăng. Khoản nợ tư nhân và chính phủ của Nga do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã giảm từ năm 2016, đạt 32% GDP trong quý đầu tiên. Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã tăng lên 18,3 tỷ USD trong tháng 3 so với mức 14,6 tỷ USD của quý trước.
Tuy nhiên cũng cần khách quan rằng nhiều năm chịu trừng phạt đã làm tổn thương đáng kể nền kinh tế Nga. Một loạt các hình phạt của phương Tây đối với Moscow kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin năm 2014 đã đánh bay một nửa giá trị của đồng Ruble, đồng thời hạn chế các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Thị trường Nga cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng kể từ đầu năm nay, khi lợi tức trên trái phiếu chính phủ bằng đồng USD đáo hạn trong tháng 9/2012 đã tăng từ 3,28% lên 4,36%. Chỉ số Micex của Nga đã giảm 12% trong cùng kỳ, mặc dù đồng Ruble thấp đã làm cho xuất khẩu Nga có lợi hơn.Một đồng tiền quốc nội yếu cũng khiến Nga đứng trước nguy cơ lạm phát tăng cao, mà theo dự kiến của ngân hàng trung ương là sẽ ở lên đến 5,5% vào cuối năm 2019.