Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý ngân hàng sống nhờ trái phiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành thêm 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Minh Tú

Ngược với tốc độ tăng trưởng trì trệ của tín dụng, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) lại sôi động hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) mới đây công bố kế hoạch phát hành thêm 22.000 tỷ đồng. Phải chăng đây là tín hiệu cho thấy, Kho bạc đang muốn giải phóng bớt lượng tiền tồn từ ngân hàng, trong khi bản thân mình vẫn chưa giải ngân hết số tiền đã huy động?

Ngân hàng “đặt cửa” trái phiếu

Trong tháng 8/2014, KBNN huy động TPCP đạt 19.500 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 27/8/2014, KBNN huy động được 192.773,3 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch giao năm 2014, bằng 141,7% so với cùng kỳ năm 2013. Các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào kênh TP không còn là chuyện lạ hay quá bất ngờ từ đầu năm đến nay, nhất là khi tăng trưởng cho vay toàn hệ thống đến cuối tháng 8 vừa qua chỉ nhích nhẹ lên con số 4,45% từ mức 3,68% vào cuối tháng trước đó.

 
Tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành thêm 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.  Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Minh Tú
Kinhtedothi - Tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành thêm 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Minh Tú
Lãi suất TP liên tục giảm nhưng số tiền các ngân hàng đổ vào kênh này lại liên tục tăng cao. So với tháng 7, nhìn chung lãi suất TP kỳ hạn 2 năm giảm khoảng 0,17%/năm, 3 năm giảm 0,26%/năm, 5 năm giảm 0,31%/năm và 10 năm giảm 0,68%/năm. Sự hấp dẫn đặc biệt dồn về các kỳ hạn dài 5 và 10 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm dẫn đầu với tỷ trọng 43,17%; 10 năm: 30,75% và phần còn lại cho các kỳ hạn: 3 năm: 20,96%; 2 năm: 5,12%. Sự khác biệt nói trên phản ánh rằng, ngân hàng đã không đánh giá cao xu hướng phục hồi tín dụng trong ngắn hạn nên họ đã dồn tiền mua TPCP với các kỳ hạn dài hơn.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 từ 12 - 14% đang đứng trước nhiều khó khăn. Chính vì thế việc mua TPCP được các ngân hàng lựa chọn khi mà vốn huy động đang tăng mạnh trong khi TP có thể chuyển đổi thành tiền dễ dàng, có thể bán đi hay đem cầm cố cho Ngân hàng Nhà nước qua kênh thị trường mở bất cứ lúc nào, không phải trích lập dự phòng và cũng không phải dự trữ bắt buộc. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận, lãi suất TP có thấp hơn nữa, chẳng hạn bằng 50 - 70% của mức hiện tại, không ít ngân hàng cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến TPCP.

Dòng tiềnđang chạy vòng quanh

KBNN mới đây công bố, điều chỉnh khối lượng TP phát hành năm 2014 theo kế hoạch mới là 232.000 tỷ đồng, tăng 22.000 tỷ đồng so với kế hoạch được công bố hồi đầu năm.

Các tín hiệu trên thị trường cho thấy, không khó để Chính phủ đạt mục tiêu trên. Vấn đề là ở chỗ, trong khi phát hành TP vẫn tăng mạnh, thì giải ngân lại chậm  dẫn đến sự không ăn khớp giữa các kế hoạch và gây ra lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 7, có đến hơn 90.000 tỷ đồng đang tồn ứ trong KBNN và trong 8 tháng của năm 2014, vốn TPCP giải ngân qua xây dựng cơ bản mới đạt 52,873 ngàn tỷ đồng. Về nguyên tắc, số tiền thừa này, KBNN phải đem gửi tại ngân hàng. Nếu gửi Ngân hàng Nhà nước thì không có lãi suất, còn gửi ngân hàng thương mại sẽ hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, vốn ngân hàng thừa "chạy lòng vòng", sau đó lại "chui" vào ngân hàng như vậy chỉ tạo ra một vòng quay nhưng không đi vào nền kinh tế. Điều này vô hình trung lại làm tăng gánh nặng trả nợ và chi phí cơ hội cho ngân sách... Trong khi một số chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, nên có kỷ luật tài khóa, trong đó tính toán đến việc kiềm chế phát hành TP, mà muốn kiềm chế được thì trước tiên phải cắt giảm chi phí công và hiệu quả hóa đầu tư công. Điều kiện cần lúc này là Chính phủ cần phải có giải pháp nhanh chóng tái cấu trúc lại khu vực đầu tư công cũng như khu vực DN Nhà nước để sao cho đồng vốn đi vào khu vực này có hiệu quả hơn, có tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn cho cả nền kinh tế.
Lãi suất huy động bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; từ 1 - 6 tháng theo ở mức 6%/năm, kỳ hạn trên 6 tháng lãi suất theo thỏa thuận. Trong khi lãi suất huy động của TP dù giảm nhưng vẫn ở mức từ 6,37 - 8%/năm. Cho Nhà nước vay thông qua hình thức phát hành TP tức là hệ thống ngân hàng đang được nuôi dưỡng bởi chính tiền ngân sách.

Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới