Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý trong phát triển doanh nghiệp

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/2, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố đánh giá mức độ phát triển DN của các tỉnh, TP thuộc T.Ư năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016. Đáng chú ý, khu vực DN FDI là nơi tạo ra lợi nhuận lớn nhưng lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế.

 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Tăng về lượng nhưng hiệu quả thấp
Năm 2017, tổng số DN thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 DN, tăng 11% so với năm 2016. Đặc biệt, số DN thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 DN, tăng 15% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016, mỗi năm doanh thu của các DN tăng 15,1%. Trong đó, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu. Khu vực công nghiệp và xây dựng đang có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010 - 2016 cao hơn với mức tăng 17,0%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,4%/năm), các DN dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, các DN Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng chủ yếu là tăng về quy mô vốn và lao động. Trong khi đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả của DN Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kiểm soát chặt hơn các ưu đãi FDI

Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy cho biết, khu vực FDI là nơi tạo ra lợi nhuận lớn cho nền kinh tế, lớn hơn các khu vực khác còn lại bao gồm cả tư nhân và DNNN. Cụ thể, năm 2016, các DN FDI tạo ra hơn 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm hơn 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 17,3% giai đoạn 2010 - 2016. Tuy nhiên, các DN FDI đóng góp ngân sách Nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250.900 tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân chỉ 16,9% giai đoạn 2010 - 2016.

Nguyên nhân chủ yếu là các DN FDI sản xuất trong các ngành công nghệ cao, được miễn thuế thu nhập DN trong một số năm kể từ năm đầu tiên có ghi nhận doanh thu như: Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên hay các DN của Nhật Bản, Mỹ… Ví dụ, thuế thu nhập DN bình quân 30 năm đầu tiên của các DN công nghệ cao chỉ phải nộp 10%; 4 năm đầu miễn thuế hoàn toàn; 9 năm tiếp theo đóng 50%. Ngoài ra, các tỉnh, TP khác có các mức độ ưu đãi khác nhau.

Nếu như các DN trong nước đóng bình quân thuế thu nhập DN 20 - 30% trong khi DN FDI lại được hưởng ưu đãi. Đây là chính sách thu hút đầu tư FDI chứ không phải năng lực đóng góp ngân sách của họ thấp hơn. Khi hết thời hạn ưu đãi, các DN này sẽ đóng góp ngân sách theo điều kiện bình thường. Ông Thúy cho rằng, ngoài ưu đãi thuế thu nhập DN, các DN FDI hoạt động công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, trước đây, Bộ KH&ĐT quản lý chung việc cấp phép cho các dự án FDI nhưng hiện giờ đã phân cấp cho địa phương, nên các tỉnh, thành có những chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút vốn FDI. Có những dự án FDI ở tỉnh này không được miễn giảm nhưng khi sang tỉnh khác lại được ưu đãi tốt hơn. Chính vì vậy, thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn, không để các tỉnh, thành vượt khung trong ưu đãi FDI, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với DN trong nước.

Bên cạnh đó, một thực tế được lãnh đạo Tổng cục Thống kê thừa nhận là thời gian qua một bộ phận DN FDI chuyển giá, trốn thuế VAT, khai thấp lợi nhuận để trốn thuế DN. Vì thế, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xây dựng nghị định chống chuyển giá của khu vực DN này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các khu vực DN.
Số vốn trung bình của một DN đăng ký thành lập mới vẫn thấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng đoàn "thuyền thúng" ra biển được và khi ra biển lớn mạnh thành tàu.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Nguyễn Hồng Long