Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý xuất khẩu gạo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo. Dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân có liên quan?

 Ảnh minh họa
Vụ việc bắt nguồn từ việc mở đăng ký thông quan vào lúc 0 giờ và “vèo một cái là đủ” hạn ngạch 400.000 tấn gạo của tháng 4/2020. Cho dù Tổng cục Hải quan khẳng định, việc khai hải quan là tự động và với hệ thống VNACCS, DN khai mọi lúc mọi nơi, không có sự can thiệp chủ quan, song rất nhiều DN ấm ức. Tại sao Tổng cục Hải quan không có thông báo trước cho DN về thời gian sẽ mở cửa để làm tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch?
Không đăng ký được hạn ngạch xuất đi tháng 4/2020, đồng nghĩa với việc gạo tiếp tục phải nằm chờ ở cảng hoặc dưới tàu. Dĩ nhiên DN phải chịu chi phí lưu kho bãi, không loại trừ tình huống bán được gạo thì trả tiền tàu cũng không đủ. Đặc biệt, dư luận và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo đặt dấu hỏi có việc trục lợi chính sách hay không khi một mình Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.234 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 4. Chưa dừng lại ở đó, mấy ngày nay còn ồn ào bởi thông tin nhiều DN trúng thầu đưa gạo vào Tổng cục Dự trữ quốc gia nhưng sau đó từ chối thương thảo ký hợp đồng khiến lượng gạo mua vào dự trữ rất thấp so với yêu cầu của Chính phủ. Lúa gạo tồn kho, gạo dự trữ quốc gia không mua được, gạo xuất khẩu chất đống tại cảng, xuất khẩu nhỏ giọt… là những bất cập đặt ra với cơ quan quản lý.
Lệnh hạn chế xuất khẩu chỉ có lợi cho những ông lớn. Vì khi không xuất khẩu được, toàn bộ các DN không mua lúa cho nông dân dẫn đến giá lúa gạo sẽ rẻ, khi đó các ông lớn trúng thầu này có cơ hội mua vào giá rẻ, cung cấp gạo dự trữ mới có lời. Từ sự phân tích trên, nhiều chuyên gia uy tín cho rằng, nếu các DN trúng thầu “bùng” bán gạo cho Dự trữ Nhà nước mà lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo thì cần được các cơ quan có thẩm quyền lưu ý. Đồng thời, nhà thầu thuộc trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Ngoài ra có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia mới được xuất khẩu.
Trong tháng 4, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Trong cuộc họp chiều 20/4 về tình hình xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện có gạo tại cảng nhưng chưa có tờ khai hải quan… Đồng thời phê bình và yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm trong phối hợp xuất khẩu gạo.
Trong lúc chờ kết quả thanh tra, kiểm tra, một loạt câu hỏi đặt ra cho các bộ, ngành quản lý. Cách thức để giảm thiểu và bù đắp thiệt hại cho những người trồng lúa là gì? Hạn chế xuất khẩu để giữ lại gạo trong nước bằng cách nào là tốt nhất? Dự trữ Nhà nước sẽ phải mua bao nhiêu gạo và giá cả như thế nào là hợp lý? Hải quan phải bảo đảm thủ tục như thế nào để những DN đã được cấp quota thì có thể xuất khẩu một cách nhanh chóng?

Sự minh bạch như trên chắc chắn sẽ làm giảm bớt sự độc đoán của một số cơ quan quản lý Nhà nước nhưng cũng chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả của công tác quản lý xuất khẩu gạo.