Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiêm cấm can thiệp việc xử lý xe quá trọng tải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc kiểm soát trọng tải xe lâu nay được xem là vấn đề nhức nhối. Xe chở quá tải không chỉ là nguyên nhân khiến tình hình trật tự ATGT trở nên phức tạp mà còn khiến các nhà quản lý phải đau đầu trong việc tìm biện pháp xử lý.

Thực tế, việc kiểm soát trọng tải của các phương tiện nếu chỉ tập trung vào xử lý lái xe vi phạm là chưa đủ. Muốn xử lý tận gốc vấn đề này, trách nhiệm của chủ hàng, doanh nghiệp (DN) vận tải cũng như đơn vị bốc xếp hàng hóa rất cần được nhìn nhận và xem xét thấu đáo. 

Nhiều địa phương còn thờ ơ

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có khoảng 652.111 xe tải, trong đó 526.546 xe dưới 7 tấn, 121.840 xe từ 7 - 20 tấn. Tình trạng xe chở quá tải tham gia giao thông đang diễn ra rất phức tạp và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Qua các đợt tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá tải gần đây cho thấy, có tới 50% xe chở quá tải trọng cho phép, trong đó nhiều xe chở quá tải trọng đến 200%. Các vi phạm tập trung chủ yếu trên các tuyến đường quốc lộ, tại các khu công nghiệp, khu vực khai thác mỏ, đường dẫn vào các kho cảng lớn... Mặc dù, xe quá trọng tải đã được xác định là "thủ phạm" chính dẫn đến tình trạng xuống cấp của các công trình, làm gia tăng nguy cơ TNGT, tuy nhiên, tại một số địa phương việc xử lý những vi phạm trên hiện gặp rất nhiều khó khăn. 
Kiểm tra tải trọng xe tại Km 520 (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).      Ảnh: Ngô Thùy
Kiểm tra tải trọng xe tại Km 520 (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ảnh: Ngô Thùy
Đại tá Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, qua kiểm tra trên 1.500 lượt xe, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái phát hiện trên 700 xe vi phạm chở quá trọng tải. Mặc dù vậy, việc kiểm tra xử lý những vi phạm trên hiện đang vấp phải sự chống đối của các lái xe cũng như từ phía các DN. Thậm chí, khi các cơ quan chức năng tiến hành xử lý mạnh tay, các đơn vị vận tải "đình công", không chở hàng lên các nhà máy sản xuất. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn công nhân mà còn tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận, có tình trạng lái xe tìm cách "né" trạm cân để chở hàng quá tải. Ngoài ra, một số địa phương viện ra lý do nếu làm chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế địa phương. Từ đó xuất hiện tình trạng can thiệp vào quá trình xử lý xe vi phạm, gây "khó dễ" và cản trở quá trình kiểm tra. 

Cần xử lý tận gốc
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch liên ngành của Bộ GTVT - Bộ Công an về việc tuần tra kiểm soát xử lý xe chở quá tải, chiều ngày 13/12, Sở GTVT và Công an TP Hà Nội triển khai kế hoạch xử lý vi phạm này. Theo đó, liên ngành thành lập 8 tổ công tác và sử dụng 5 trạm cân lưu động để kiểm soát trọng tải xe tại một số tuyến đường như quốc lộ 2, 3, 5, 6, 18, 32, 1A cũ, Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… và một số tuyến đường xuyên tâm. Mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thanh đưa ra nghịch lý, nếu các năm trước đây, nhiều lái xe đua nhau hạ tải để tăng chuyến, kiếm thêm tiền công nhưng hiện nay các lái xe lại đua nhau chở quá tải. Mặc dù bản thân lái xe cũng biết như vậy là rất nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo, sức ép của chủ DN, chủ hàng nên bắt buộc phải chở quá tải. Do vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng trên, các lực lượng chức năng ngoài việc xử lý lái xe vi phạm cần phải xem xét tới trách nhiệm của chủ DN vận tải, chủ hàng, và đơn vị bốc xếp hàng hóa nếu nhập hàng quá trọng tải của xe.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, ngoài việc kiểm tra trọng tải từ gốc, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc nhập khẩu xe tải, hoán cải sao cho phù hợp với điều kiện thực tế nước ta, tránh tình trạng cho nhập khẩu tự do gây khó khăn cho việc quản lý và "vẽ đường" cho vi phạm. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để việc kiểm tra trọng tải xe đạt hiệu quả cao, việc xử lý phải bảo đảm nghiêm minh, công bằng, không thể với DN này thì nghiêm, DN khác thì làm ngơ, buông lỏng.

Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc kiểm soát các xe vi phạm quá trọng tải là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, đòi hỏi phải kiên trì. Để công tác kiểm tra xử lý có chiều sâu, đúng đối tượng, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh tạo điều kiện cho lực lượng chức năng trong quá trình tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm đối với ô tô chở hàng hóa quá trọng tải, nghiêm cấm can thiệp vào việc xử lý vi phạm. Đồng thời coi đây là việc làm thường xuyên vì sự nghiệp bảo đảm trật tự ATGT.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đến nay đã có 10 địa phương (Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Lâm Đồng) được trang bị trạm cân lưu động. Dự kiến trong quý I/2014, Bộ GTVT sẽ trang bị thêm 57 bộ cân cho các tỉnh, TP còn lại".
 
Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 81/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng. Theo đó, đã phát hiện, ngặn chặn một số âm mưu, ý đồ liên quan đến hoạt động khủng bố. Phát hiện, đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ, hàng cấm qua đường hàng không và một số hành vi vi phạm pháp luật, phức tạp khác... (Kim Hường)