Văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức người lao động gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá lễ hội, không sử dụng các phương tiện công và giờ hành chính để đi lễ hội.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở VHTT&DL chịu trách nhiệm trước UBND TP và Bộ VHTT&DL về quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương, báo cáo kết quả thực hiện với UBND TP sau 8 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã phải xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội hàng năm, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội, thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản.
Việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, không gây lãng phí tiền của của nhà nước và địa phương. Tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng sôi nổi, lành mạnh. Phát huy năng lực sáng tạo, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân.
UBND TP yêu cầu các địa phương, ngành văn hóa thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội. Ngăn chặn các hành vi như: xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, lưu hành văn hoá phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, ép khách, chèo kéo khách, thương mại hoá lễ hội, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội trước, trong và sau lễ hội.