Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiêm cấm sang chiết, kinh doanh khí hóa lỏng trái phép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ vừa có Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và điều kiện để kinh doanh LPG trên thị trường.

KTĐT - Chính phủ vừa có Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và điều kiện để kinh doanh LPG trên thị trường. 
 
Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì lập quy hoạch và công bố quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh LPG trên cả nước, gồm các nhà máy sản xuất, chế biến LPG, kho chứa LPG với tổng dung tích các bồn chứa từ 5.000m3 trở lên, cảng xuất, nhập LPG để cập cảng tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Các trạm kinh doanh , cấp, nạp LPG, kho dung tích chứa LPG dưới 5.000m3  sẽ do UBND các tỉnh chịu trách nhiệm lập quy hoạch.

5 điều kiện xuất, nhập khẩu LPG

Điều kiện xuất, nhập khẩu LPG đòi hỏi thương nhân phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký xuất khẩu, nhập khẩu LPG; có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam dưới hình thức hợp đồng sở hữu, liên doanh... có kho tiếp nhận LPG tối thiểu 3.000m3; có tối thiểu 300.000 chai LPG (thị trường vẫn gọi là bình gas) các loại (trừ chai mini); có trạm nạp LPG và có hệ thống phân phối LPG đủ tiêu chuẩn.

Thương nhân được quyền xuất, nhập khẩu LPG được quyền quy định giá bán LPG và LPG chai  trong hệ thống phân phối của mình và được tổ chức nạp (sang chiết) LPG vào chai đáp ứng đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường.

Tuân thủ chặt chẽ việc nạp LPG sang chai

Trên thực tế, hiện trạng nạp, sang chiết LPG trái phép đang là mối lo và hiểm họa về tính an toàn, an ninh trong cộng đồng. Rất nhiều nai tạn cháy nổ thương tâm đã xảy ra do sử dụng sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc do sang chiết LPG không đúng theo quy trình kỹ thuật. Vì lợi nhuận trước mắt mà một số thương nhân đã kinh doanh bất hợp pháp mặt hàng này.

Chấn chỉnh lại hiện tượng kể trên, Nghị định quy định rất rõ trạm nạp LPG phải đáp ứng đủ 7 điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề nạp LPG vào chai; địa điểm nạp LPG phù hợp với quy hoạch và dự án; trạm nạp, thiết bị nạp... phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành; máy, thiết bị có độ yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; trạm nạp LPG phải có hàng rào bảo vệ; có  giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy; có đầy đủ quy trình nạp LPG vào chai, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố.

Riêng đối với chai LPG lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn, đăng ký hàng hóa, thương hiệu. Chai LPG đã qua sử dụng phải thực hiện tái kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định. Chai, màu sơn chai LPG phải còn nguyên hình dạng thiết kế ban đầu, các chai này phải có đầy đủ hồ sơ được lưu giữ theo quy định.

Các tổng đại lý kinh doanh LPG chỉ treo biển hiệu, logo của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối mà tổng đại lý ký hợp đồng làm đại lý, biển hiệu phải ghi rõ ràng theo quy định.

Giá bán LPG áp dụng theo cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước do thương nhân kinh doanh LPG quyết định sau khi dã nộp đầy đủ thuế.

LPG là hỗn hợp chủ yếu của Propane và Butane có nguồn gốc từ dầu mỏ. tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khi được nén đến một áp suất, nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng, được tồn chứa tại các bồn bể cố định dùng làm chất đốt, nhiên liệu động cơ, nguyên liệu phục vụ sản xuất dân sinh. Trên thị trường vẫn gọi khí hóa lỏng là Gas.