Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngộ độc thực phẩm: “Bếp nhà” cũng có nguy cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trước tới nay, mối lo âu về ngộ độc thực phẩm đa phần “đặt” ở các bếp ăn tập thể hay hàng quán bên ngoài. Song các chuyên gia thực phẩm cũng như các bác sĩ khuyến cáo: Ngộ độc thực phẩm có thể đến từ bếp ăn gia đình.

Tai nghe mắt thấy

Vụ ngộ độc từ bếp ăn gia đình “nặng” nhất gần đây có thể kể đến ca cấp cứu 9 bệnh nhân trong 1 gia đình ở Ninh Bình chiều 27/9 vừa qua. Cả 9 người nhập viện đều có dấu hiệu của ngộ độc thần kinh, trong đó có 3 trường hợp nặng, 4 trường hợp nhẹ hơn và 2 người nhẹ hơn cả có thể tự chăm sóc cho bản thân. Được biết, các bệnh nhân này đều ăn bữa liên hoan tại gia đình với thức ăn gồm thịt vịt quay, canh rau ngót, chả thịt lợn, thịt cầy, trứng rán... Đáng lưu ý, gia đình đã mua thịt vịt tươi sống tại chợ và nhờ một cửa hàng khác ướp gia vị và quay. Và còn rất nhiều trường hợp khác được đưa đến bệnh viện với các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn bữa ăn tại bếp nhà. 
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Thành Công. Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Thành Công. Ảnh: Chiến Công
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9/2015, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.400 người mắc, 20 người tử vong. Đáng nói là có hơn 52%, tức là tới 64/129 vụ là ngộ độc từ bếp ăn gia đình. TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cũng thừa nhận, so với các năm trước thì năm nay vấn đề ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn gia đình đáng báo động hơn. Theo ông Hùng là do người dân chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề ATTP. Mặc dù giới chuyên môn và truyền thông đã tích cực tuyên truyền về vấn đề vệ sinh ATTP, về những thực phẩm chứa độc tố tự nhiên không nên sử dụng, nhưng người dân vẫn cố tình ăn nấm rừng, sò biển, cá lóc... khiến các vụ ngộ độc từ loại thức ăn này vẫn xảy ra. Chính vì vậy mà các nhà quản lý ATTP cho rằng, việc đảm bảo ATTP tại bếp ăn gia đình rất nan giải khi người dân còn thiếu ý thức bảo vệ chính mình.

Hãy tự bảo vệ mình

Tham khảo về vấn đề ngộ độc từ “bếp nhà”, các bác sĩ cho biết, dù đã được giữ sạch sẽ nhưng “bếp nhà” vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Không kể mối nguy tiềm ẩn từ thực phẩm, thì rất có thể hàng triệu vi khuẩn đang “nấp” trong bếp chờ dịp phát tác. Mà việc chế biến thực phẩm tại bếp ăn gia đình không bảo đảm vệ sinh sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa sẽ để lại hậu quả trong tăng trưởng và phát triển. Cụ thể sẽ bị hạn chế chiều cao, thiếu cân nặng, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng...

Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn gia đình, người dân hãy cẩn trọng khi mua thực phẩm ngoài chợ, “nói không” với những thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ; giữ gìn vệ sinh nơi bếp nhà. Đặc biệt, hãy tự trang bị cho mình các kiến thức cần thiết về ATTP, ghi nhớ 10 nguyên tắc về chế biến thực phẩm an toàn đã được nhà quản lý công bố rộng rãi.
10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn: Lựa chọn thực phẩm an toàn. Nấu kỹ thức ăn. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. Bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi đã nấu chín. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn. Không dùng chung dụng cụ chế biến hoặc để lẫn thực phẩm sống và chín. Rửa sạch tay trước khi chế biến. Giữ nơi chế biến thực phẩm khô ráo, sạch sẽ. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loại côn trùng, loại gặm nhấm và các loại động vật khác. Sử dụng nguồn nước sạch.