Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngành ngoại giao có trách nhiệm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc tổng kết những thành tựu đã đạt được, cần đi sâu phân tích những thiếu sót, yếu kém, rút ra những bài học và đề xuất giải pháp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước để công tác đối ngoại có những chuyển biến ngày càng hiệu quả hơn. Cụ thể, mỗi cán bộ trong ngành ngoại giao cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích quốc gia, dân tộc là ưu tiên cao nhất.
Tiếp đến là phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, kiên định nguyên tắc, linh hoạt, khôn khéo về sách lược, chủ động, sáng tạo. Tập trung làm tốt công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược tổng thể, có chiều sâu; cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế. Đề xuất các biện pháp nhằm phát huy vai trò của nước ta như một thành viên tích cực, chủ động của các thể chế khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu ngành triển khai ngoại giao toàn diện, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh, trực tiếp góp phần đắc lực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị;...
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 sẽ tập trung thảo luận, xây dựng chương trình hành động cụ thể cho toàn ngành ngoại giao trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin cậy giao phó, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.