Cá biệt, có những ngôi sao vẫn chưa thể tìm cho mình bến đỗ.
Trước đây, các ngôi sao đặc biệt là những người đang khoác áo đội tuyển quốc gia luôn ở diện "đắt như tôm tươi". Thế nhưng mùa giải này thì khác. Một loạt thương hiệu mạnh của nền bóng đá bỗng chốc đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Vài năm trước, chính những cầu thủ này là nhân tố chính tạo sóng trên thị trường chuyển nhượng. Vậy nhưng, khi nền bóng đá bớt sôi động, các đội bóng thay đổi chiến lược đầu tư, bản thân họ lập tức mất giá mặc dù đang ở đỉnh cao phong độ. Phải rất vất vả và đặc biệt là chấp nhận giảm giá trị hợp đồng thì một số cầu thủ mới tìm được bến đỗ trước khi mùa giải mới diễn ra. Có thể kể đến bản hợp đồng của Trọng Hoàng với FLC Thanh Hóa, Đình Luật, Âu Văn Hoàn với TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ít ai ngờ một tân binh V.League như TP Hồ Chí Minh lại có thể chiêu mộ hai tuyển thủ quốc gia. Vấn đề ở đây không phải là đội bóng này mạnh về tài chính mà chính là việc các cầu thủ chấp nhận với hoàn cảnh mới để được chơi bóng.
Hiện có rất nhiều cầu thủ vẫn chưa tìm được bến đậu. Trong đó, với việc 3 đội bóng hạng Nhất phải giải thể sẽ có khoảng 100 cầu thủ bỗng dưng thất nghiệp.
Cầu thủ không danh tiếng gặp khó trong tìm việc thì đã đành nhưng có trường hợp thủ quân đội tuyển quốc gia vẫn lâm vào cảnh thất nghiệp. Đó là trường hợp của Công Vinh. Cầu thủ này vừa tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia để toàn tâm toàn ý cho CLB nhưng vẫn chưa thể tìm được đội bóng mới sau khi bị Bình Dương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Công Vinh không tìm được CLB mới không phải vì chuyên môn mà bởi giữa anh và các đội bóng có quá nhiều khác biệt. Đội bóng mạnh thì không muốn gắn bó với một cầu thủ 32 tuổi. Họ muốn nhường suất tiền đạo cho ngoại binh. Đội bóng tầm trung thì không đủ tiền để đáp ứng yêu cầu của Công Vinh.
Bây giờ, mấu chốt của bài toán cho Công Vinh và những cầu thủ cùng cảnh ngộ là phải thoát khỏi ánh hào quang quá khứ. Họ không thể đem những tiêu chí trước đây để định giá cho bản hợp đồng hiện tại. Thậm chí, họ cần phải học kinh nghiệm của một số cầu thủ là chấp nhận đại hạ giá phí chuyển nhượng hoặc chỉ nhận lương để thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Và với nhiều nhà quản lý, sự mất giá của thị trường chuyển nhượng và việc nhiều ngôi sao khó khăn trong tìm kiếm đội bóng lại là tín hiệu đáng mừng. V.League sẽ bớt ảo hơn và các đội bóng dần thoát khỏi những cuộc đua kim tiền mà thất bại luôn thuộc về họ.