Tình trạng bế tắc này có lý do chính ở chỗ hai phía có cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết các trắc trở song phương.
Chuyện này liên quan đến một quần đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản đặt tên là Senkaku. Vì hiện đang kiểm soát quần đảo nên Nhật Bản cho rằng "không có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ". Hàm ý ở đây là chỉ có chuyện Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản chứ không có chuyện hai nước tranh chấp với nhau. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chỉ khi nào Nhật Bản công nhận là "có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ" thì mới có thể đối thoại và đàm phán với Nhật Bản. Ngôn từ đơn giản như một cuộc chơi chữ vậy nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa pháp lý quốc tế khác hẳn nhau. Không công nhận có cuộc tranh chấp đồng nghĩa với việc khẳng định sở hữu hoàn toàn và quần đảo không phải là đối tượng hay nội dung đàm phán. Muốn phía bên kia công nhận có cuộc tranh chấp tức là không công nhận chủ quyền của phía bên kia, nêu ra yêu cầu chủ quyền của mình và coi quần đảo là đối tượng đàm phán. Ngôn từ là thế. Bản chất phía sau là chủ định của Nhật Bản tìm cách không để mối bất hoà này ảnh hưởng tới việc tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc, có nghĩa là đối thoại và đàm phán về quan hệ song phương chứ không để giải quyết mối bất hoà. Trung Quốc lại coi đó là một trong những vấn đề cần phải giải quyết trong khuôn khổ quan hệ song phương để thúc đẩy quan hệ song phương. Lợi ích khác nhau, thế và lực về pháp lý quốc tế cũng như quân sự khác nhau và cách tiếp cận vấn đề khác nhau nên bế tắc như thế không có gì lạ.