- Từ tờ mờ sáng, giữa cái thời tiết se lạnh cuối tháng 11, bà con ngư dân và thương lái đã tấp nập tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để mua bán hải sản. Gần 2 tuần nay, ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hà Tĩnh trúng đậm mùa ruốc (hay còn gọi tép biển) khiến ai cũng hồ hởi ra khơi.
- Theo bà con nơi đây, năm nay ngư dân trúng luồng ruốc lớn nên mỗi lần ra khơi thuyền nào cũng kiếm cho mình từ 1-3 tấn ruốc. Mặc dù vào mùa ruốc muộn hơn so với mọi năm, nhưng lượng ruốc thì lại nhiều hơn những năm trước, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày có thể đánh bắt từ 1-2 chuyến.
- Chủ thuyền Nguyễn Xuân Tuấn (SN 1985, trú xã Thạch Long, Thạch Hà) cho biết, ''khoảng 12 ngày trở lại đây, anh đánh bắt được từ 6 - 7 tấn ruốc/ngày, lượng ruốc này sẽ được nhập cho các cơ sở chế biến. Ước tính đợt này thu về hơn 600 triệu đồng, lượng ruốc nhiều như vậy là do biển năm nay trúng luồng ruốc lớn.''
- Đánh bắt ruốc cũng được coi là một nghề truyền thống của ngư dân địa phương ven biển Lộc Hà bao đời nay. Tuy nhiên, không phải năm nào bà con ngư dân cũng trúng mùa ruốc, việc đánh bắt ruốc tuy cho thu nhập cũng khá nhưng rất vất vả, mỗi lần ra khơi phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền.
- Trừ các chi phí, một ngư dân có thể kiếm được trên 1 triệu đồng/ngày, đây là một nguồn thu không nhỏ với bà con nơi đây.
- Không chỉ ở huyện Lộc Hà, tại nhiều địa phương khác như: Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... ngư dân cũng trúng đậm mùa ruốc với số lượng hàng trăm tấn.
- Hàng chục cơ sở chế biến hải sản ở xã Thạch Kim (Hà Tĩnh) cũng tranh thủ nhập nguyên liệu để chuẩn bị cung cấp cho thị trường.
- Sau khi ngư dân đánh bắt vào bờ, ruốc được các thương lái thu mua đưa về chế biến thành mắm tôm hoặc sấy khô để bán.
- Chủ một cơ sở chế biến ruốc cho biết, trong đợt này cơ sở đã thu mua được hơn 700 tấn ruốc. Để kịp thời sơ chế trong thời tiết thuận lợi như những ngày qua, tôi phải thuê thêm nhân công liên tục ủ phơi để làm nguyên liệu sản xuất dần trong thời gian tới.
- Ruốc tươi sau khi thu mua được các cơ sở chế biến bằng cách nhồi trộn với muối theo tỷ lệ: 10 ruốc/1 muối, sau đó phơi nắng, đóng bì đem về kho chế biến dần.
- Cũng theo ngư dân địa phương, mùa ruốc có thể kèo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau.