Kỳ vọng chuyến biển cuối năm
Những ngày này, ngư dân tại xã Tam Quang lại tất bật chuẩn bị dầu, đá, nước, thực phẩm và nhiên liệu để tiếp tục vươn khơi sau nhiều ngày tránh mưa bão.
Ngư dân Huỳnh Tèo (45 tuổi, chủ tàu cá QNa-90398) cho biết, chuyến ra khơi cuối năm rất đặc biệt. Sau nhiều ngày mưa bão khiến công việc làm ăn gặp khó khăn, nay tranh thủ thời tiết thuận lợi vươn khơi sản xuất với mong ước có một chuyến biển bội thu.
“Năm nay bão lũ, dịch bệnh triền miên nên chuyến ra khơi cuối năm này chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng. Mong sao chuyến biển bội thu, cá mực đầy khoang”, ngư dân Huỳnh Tèo chia sẻ.
Ngư dân Tèo cho biết thêm, trước khi lên tàu vươn khơi, ông cùng các thuyền viên còn làm mâm cơm cúng thần biển để cầu bình an, thuận buồm xuôi gió. Tàu cá QNa-90398 của ngư dân Huỳnh Tèo có 13 thuyền viên sẽ xuất bến tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt.
Ngư dân Phạm Văn Kiên (57 tuổi, xã Tam Quang) là thuyền viên tàu cá QNa-90398 cho biết, đây là lần thứ hai ông đi biển vào dịp cuối năm. Chuyến biển này khác rất nhiều so với lần trước.
“Lần đầu tôi đi đã là thời trai trẻ, lúc đấy chưa vợ con nên hăng hái đi biển mà không vướng bận gì cả. Năm nay, con cháu về quê ăn Tết đầy đủ mà tôi lại đi xa nên có cảm giác đượm buồn trong lòng”, ông Kiên tâm sự.
Theo ông Huỳnh Tèo, dự kiến chuyến vươn khơi cuối năm sẽ mất khoảng 20 đến 25 ngày, tùy thuộc vào lộc biển, nếu may mắn trúng được luồng cá mực thì tàu sẽ về trước Tết, không thì sẽ ở lại đón Tết trên biển.
“Bỏ” Tết giữ biển
Hầu hết 13 thuyền viên trên tàu cá QNa-90398 do ngư dân Huỳnh Tèo làm chủ đều đã trải qua những lần ăn Tết trên biển nên họ đã quen với điều này. Ngư dân Tèo cho biết, chuyến vươn khơi lần này không như mọi khi vì nó rơi vào dịp cuối năm nên cũng gần đồng nghĩa với việc ăn Tết trên biển. “Chuyến đi biển này, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc nhiều hơn bình thường để những ngày Tết trên biển có cái mà cúng, mà ăn”, ông Tèo nói.
Theo ngư dân Tèo, chuyến biển cuối năm tốn kém nhiều hơn vì phải chuẩn bị hàng hóa phòng khi không về đất liền kịp để anh em trên tàu cũng có Tết. Là người đã từng đón Tết trên biển, ngư dân Phạm Văn Kiên kể, từ chiều 30 Tết, những tàu đánh bắt ra khơi cùng một ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm và hẹn gặp tại một tọa độ cố định rồi cùng nhau đón năm mới.
Vào đêm giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển cũng được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Những con cá, mực ngon nhất sẽ được dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu bình an, may mắn, và trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt bội thu. Sau đó, các ngư dân sẽ ngồi lại trò chuyện và nếu có tín hiệu sẽ truyền tay nhau bộ đàm để gọi về hỏi thăm gia đình.
“Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới ấy thì ai cũng có chút trầm buồn, nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con, nhớ cái Tết trên đất liền nhưng cái nghề cái nghiệp đã chọn nên chúng tôi lại động viên nhau cố gắng vượt qua, năm mới đến sẽ gặp được luồng cá, mực để sớm về đoàn viên cùng gia đình”, ông Kiên tâm sự.
Ông Kiên cho biết thêm, ngư dân xem đảo là nhà, biển là quê hương, là nguồn sống của họ, nhờ có biển mà cuộc sống của họ được ấm no, có nhà cửa khang trang và có tiền lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Dù gặp khó khăn hay thậm chí là nguy hiểm tính mạng thì ngư dân cũng không bỏ biển, quyết bám biển không chỉ là vấn đề lợi ích kinh tế nữa mà đó còn là góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước, bảo vệ lãnh thổ thiên liêng của dân tộc ta từ bao đời nay, đó là một phần máu thịt mà cha ông ta đã đánh đổi để có được. Mỗi ngư dân giờ đây như là một cột mốc giữa muôn trùng khơi.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách Nông Lâm Ngư nghiệp xã Tam Quang cho biết, trên địa bàn xã có 197 tàu cá công suất 250 - 1.000CV, trong đó khoảng 6 tàu sẽ vươn khơi đánh bắt dịp cuối năm âm lịch này.
“Chúng tôi thông báo các chủ tàu phải luôn giữ liên lạc, đồng thời động viên ngư dân vì họ phải đánh bắt xuyên Tết”, ông Dũng nói.