“Ngược đời là càng lỗ, doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất”

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) dẫn thống kê khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ nhưng, điều ngược đời là càng lỗ, các doanh nghiệp càng mở rộng sản xuất.

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nêu con số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%, vượt xa kỳ vọng. Vốn giải ngân đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Đây được cho là nguyên nhân góp phần vực dậy tốc độ của nền kinh tế.
 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) 
Thế nhưng Đại biểu cho rằng: “Sau cơn địa chấn về thu hút FDI lại là nỗi lo âm ỉ của không ít nhà quản lý, chuyên gia về chuyện giữa nhà đầu nước ngoài với tăng trưởng”.

“Đạt nhiều kỷ lục trong tăng trưởng nhưng hiệu quả nội tại mang lại cho nền kinh tế, đời sống người dân chưa đáng là bao. Đột ngột giảm, đột ngột tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của các doanh nghiệp FDI là điều lo ngại cho nền kinh tế”, Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Đại biểu nhìn nhận doanh nghiệp FDI bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng, sau 25 năm, khu vực này đóng góp cho GDP từ 2% năm 1992 lên 20% năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập đầu người lên 2.000 USD.

Thế nhưng dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực này chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15% đến 19%, thấp nhất trong 3 khu vực.

Thống kê giai đoạn 2007 – 2015 cho thấy cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều ngược đời là càng lỗ, các doanh nghiệp càng mở rộng sản xuất. Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.

Đại biểu cho rằng, một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và chuyển giao công nghệ, nhưng theo thống kê 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, 5-6% công nghệ cao.

“Vừa bị thất thu thuế, công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư, hệ lụy môi trường… liệu những điều này có công bằng cho đất nước và nhân dân, đã đến lúc phải suy xét trước khi quá muộn”, đại biểu bày tỏ.
 Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Đại biều cho rằng, Nhà nước có ưu đãi các chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp FDI, trong khi đó lại cứng nhắc, khắt khe với doanh nghiệp trong nước đóng góp cho kinh tế.

Đại biểu kiến nghị không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải có chọn lọc, các lĩnh vực, ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cần có cam kết về lộ trình chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa; phải ưu tiên các lĩnh vực phù hợp với đề án cơ cấu lại nền kinh tế… đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi mời gọi đầu tư.

Cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang chỉ ra những thách thức lớn cần phải vượt qua trong thời gian tới như: Cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế;... Đại biểu cũng góp ý một số nội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước; giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng cho người dân và doanh nghiệp;...

Đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) góp ý các nội dung quản lý thuế như giải pháp chống thất thu thuế; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách hoàn thuế của nhà nước để trục lợi; quản lý chặt chẽ hóa đơn; thu hồi nợ đọng thuế; ngăn chặn buôn lậu, hàng giả;...

Bên cạnh đó, có giải pháp để tăng cường nuôi dưỡng mở rộng nguồn thu cho ngân sách; kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện cho địa phương phát huy thế mạnh đặc thù để phát triển KTXH bền vững…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần