Cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Hữu Trạc (Quảng Bình) tựa như bản tình ca về cuộc đời người lính với những nốt thăng, nốt trầm.
Quãng thời gian ác liệt
Ông Lê Hữu Trác (1941) sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ tự tạo dựng “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, nhằm đánh phá miền Bắc, hy vọng giảm sức nóng trên chiến trường miền Nam. Lịch sử đã chọn Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước, còn vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 17 độ 08’15’’ tới 17 độ 10’05’’, gần như liền kề với đường giới tuyến.
Âm mưu của địch là chiếm đảo Cồn Cỏ để làm bàn đạp thâm nhập vào hậu phương miền Bắc. Lúc bấy giờ địch xem đảo Cồn Cỏ như “mắt thần trên biển”. Đại đội Lê Hồng Phong nhận lệnh của cấp trên lựa chọn một Trung đội lên đường ra giữ đảo Cồn Cỏ. Tháng 7/1965, khi đang là Trung đội phó, Lê Hữu Trạc cùng các đồng đội đã viết tâm thư bằng máu xung phong ra giữ đảo. Với ông, những tháng ngày ở đảo Cồn Cỏ là quãng thời gian ác liệt nhất.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 - 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Với những chiến công đó, năm 1966, Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ.
Chặn đứng đường tiếp viện Đường 9 - Khe Sanh
Năm 1968, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Trung úy Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền, nhận nhiệm vụ mới là Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã triển khai lực lượng đánh sập cầu Bến Ngự, chỉ cách đồn địch 100m, cắt đứt chi viện bằng đường bộ từ cảng Cửa Việt lên chiến trường Đường 9 - Khe Sanh.
Mất tuyến đường chi viện trên bộ, địch ào ạt chi viện bằng đường sông với tàu vận tải được thiết kế chống đạn B40. Trước tình hình này, Trung úy Lê Hữu Trạc đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh được điều động dân quân các xã dùng DKZ bắn thử. May mắn thay, hỏa lực từ DKZ có thể tiêu diệt được tàu địch. Toàn bộ hỏa lực của dân quân các xã được kéo về bố trí bên bờ sông, hàng chục tàu tiếp tế của địch bị bắn cháy, bắn chìm. Có thời điểm, cả tuần liền không một chiếc tàu nào lọt qua lưới hỏa lực của ta để tiếp tế cho chiến trường Đường 9 - Khe Sanh.
Vẫn vẹn nguyên khí thế chiến đấu từ Cồn Cỏ, tháng 5/1968, ông Lê Hữu Trạc được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Quân khu IV. Trong một chuyến đi khảo sát địa hình, chống địch đổ bộ bằng đường không ở phía Tây Vĩnh Linh, ông và đồng đội không may vướng phải bom Mỹ. Một chiến sĩ hy sinh, còn ông bị bom hất tung và mù hai mắt.
Ánh sáng chân lý không bao giờ tắt
Về lại tuyến sau, cựu binh Lê Hữu Trạc được đồng đội đưa về an dưỡng ở Hà Tây. Tại đây, ông đã gặp cô gái Kim Thị Mão và họ nên vợ nên duyên chồng. Ngày ấy, khi cô gái Kim Thị Mão vừa tròn tuổi 18 đã quyết định theo anh thương binh Lê Hữu Trạc về lại quê nghèo Quảng Bình để xây dựng cuộc sống lứa đôi, không ít người làng tỏ ra ái ngại. Thế nhưng, tình yêu của họ đã vượt qua tất cả.
Hơn 45 năm qua, bà Mão là "đôi mắt" của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Hữu Trạc. Hai vợ chồng ông đã có với nhau 3 mặt con. Thương vợ phải làm lụng vất vả, hàng ngày thương binh Lê Hữu Trạc vẫn cố gắng làm những việc có thể để đỡ đần vợ. Ông luôn tâm niệm “đôi tay chính là ánh sáng”. Phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn cần cù, vượt khó đã giúp ông vượt qua từng cơn giông bão của cuộc đời. “Giặc Mỹ có thể cướp đi ánh sáng thiên nhiên nhưng ánh sáng chân lý sẽ mãi không bao giờ tắt” - ông Lê Hữu Trạc nói.
Năm nay, khi đã bước qua tuổi 77, hàng ngày cựu binh Lê Hữu Trạc vẫn say sưa kể chuyện cho thế hệ trẻ về gần 1.000 ngày đêm cùng đồng đội bám trụ trong mưa bom bão đạn để giữ đảo Cồn Cỏ, về những người đồng đội thân yêu đã ngã xuống. Ông xem đó như mạch nước ngầm đầy chất nhân văn về truyền thống yêu nước của dân tộc nối dài qua từng thế hệ.
Trong quá trình chiến đấu và công tác của mình, Trung úy Lê Hữu Trạc được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có Quyết định số 621/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho ông Lê Hữu Trạc. |