Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Người bạn đường” cho người ra đi, vì người ở lại...

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình “Người bạn đường” cùng với Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2020 diễn ra với nhiều hình ảnh xúc động và những thông điệp ý nghĩa.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT năm 2020 diễn ra xúc động với nhiều thông điệp ý nghĩa. (Ảnh: Quý Nguyễn).
Lễ tưởng niệm được tổ chức vào tối 15/11 tại Hà Nội do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, xót thương những người đã khuất và hành động vì sự an toàn của người còn sống.
“Thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được...”
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia tại buổi lễ. Phó Thủ tướng đánh giá, thiệt hại do TNGT đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và gây tổn thương cho hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện.
“Phía sau những cái chết do TNGT là hàng nghìn tổ ấm gia đình bị tổn thương với hàng chục nghìn em nhỏ mất cha, mẹ; hàng nghìn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa những năm tháng cuối đời” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ sự xúc động, thương xót trước hình ảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức giấc, nghẹn khóc giữa đêm khuya gọi mẹ, tìm cha mà không thấy. Đấy là nỗi đau “đang bóp nghẹt con tim của mỗi chúng ta” và cũng là “lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống”.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Quý Nguyễn).
Đánh giá về tình hình TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, những năm qua, TNGT tại Việt Nam được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có trên 7.500 người bị TNGT cướp đi mạng sống cùng với gần 15.000 người bị thương tật suốt đời. Đã đến lúc chúng ta cần “thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra TNGT có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước”.

"Kinh nghiệm bảo đảm an toàn giao thông của Nhật Bản có ba yếu quan trọng, đó là cải thiện hạ tầng giao thông, đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông và lắp đặt các thiết bị bảo đảm an toàn giao thông trên phương tiện." - Tổng Giám đốc hãng Toyota Việt Nam Ueda Hiroyuki

Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT.
Để làm được điều đó, từng người dân Việt Nam phải luôn có ý thức tự giác thực hiện đúng khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; tuyệt đối không phóng nhanh, vượt ẩu; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô.
“Mỗi người cùng chia sẻ, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà TNGT đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của họ. Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống” - Phó Thủ tướng nói. Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT tại Việt Nam. 
Các đại biểu tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì TNGT. (Ảnh: Tạ Hải).
Vì một môi trường giao thông “nói không với rượu bia”
Điểm lại những nét nổi bật của công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong thời gian qua, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong những năm trở lại đây, sự chuyển biến tích cực về điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực cho công tác đam bảo trật tự ATGT.
Theo ông Khuất Việt Hùng, điều dễ nhận thấy là từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện; công tác bảo dưỡng bảo trì ngày càng được nâng cao; chất lượng dịch vụ vận tải cũng ngày một tốt lên.
Đây chính là tiền đề quan trọng để giúp công tác đảm bảo trật tự, ATGT được phát huy hiệu quả cao hơn; tình hình TNGT được kéo giảm sâu hơn.
Đặc biệt, theo đánh giá của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2020 ghi nhận sự đột phá trong công tác xây dựng hành lang pháp lý nhằm phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Điển hình là sự ra đời của Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại rượu bia.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Tuấn Đức).
Sự xuất hiện của 2 văn bản pháp lý này đã thay đổi nhanh chóng thói quen sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong đời sống hàng ngày nói chung và khi tham gia giao thông nói riêng.
Theo ông Khuất Việt Hùng: “Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100. Hiện nhiều người đi uống rượu đã không còn lái xe và những đơn vị sản xuất rượu bia cũng đồng hành vào cuộc rất quyết liệt. Vì thế, có thể thấy rằng, TNGT sẽ giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây về cả 3 tiêu chí và kỳ vọng mức giảm trên 10%".
“Thông điệp của các hoạt động hưởng ứng được tổ chức năm 2020 nhằm cảnh báo đến xã hội về thảm họa và nguyên nhân của TNGT; kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân. Quan trọng hơn sẽ giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật ATGT, nâng cao ý thức trách nhiệm của các lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT góp phần hoàn thành mục tiêu giảm TNGT năm 2020" - ông Khuất Việt Hùng nói.
 Thắp đèn hoa đăng để tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì TNGT. (Ảnh: Huy Hùng).
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2020 cùng với chương trình “Người bạn đường” đã ghi nhận những hình ảnh xúc động, nghẹn ngào về nạn nhân TNGT và nỗi đau tột cùng của gia đình thân nhân đã được tái hiện lại qua những câu chuyện sinh động, cuốn hút và truyền đi thông điệp mỗi người ra đường hãy chấp hành nghiêm luật giao thông.

"Năm 2018 và 2019, số ca bệnh nhân bị TNGT đưa đến bệnh viện Việt Đức là gần 17.000 ca, trong 10 tháng năm 2020, con số này khoảng 12.000 ca. Dự kiến, cả năm 2020, số ca giảm khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, nạn nhân TNGT chủ yếu ở độ tuổi 16 - 60 tuổi. Nạn nhân dưới 16 tuổi chỉ chiếm khoảng 8%. Đặc biệt, từ khi nghị định 100 ra đời, trong số 12.000 ca TNGT đưa đến Bệnh viện Việt Đức 10 tháng năm 2020, chỉ có 15 - 16% trong người nạn nhân có nồng độ cồn. Những năm trước, tỷ lệ này luôn xấp xỉ 30%. Kết quả này đã giúp tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT thuộc trường hợp nặng xin về giảm gần 2/3." - Bác sĩ Phạm Gia Anh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức