Xác định nhiệm vụ trọng tâm là khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu nhằm tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của Hà Nội để bổ sung vào cơ cấu giống của TP. Đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của TP, hàng năm, Trung tâm đã khảo nghiệm được trên 30 giống lúa, 5 giống lạc, 5 giống đậu tương, 4 giống khoai lang và trên 10 giống rau, hoa các loại...
Hiện Trung tâm Phát triển cây trồng đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng được 3 nhãn hiệu, thương hiệu về lúa, gạo (gạo Bồ Nâu - Thanh Văn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gạo thơm Bối Khê); 4 nhãn hiệu, thương hiệu về cây ăn quả (cam đường Kim An, bưởi Quế Dương, nhãn chín muộn, chuối Vân Nam); 2 nhãn hiệu, thương hiệu về chè (chè Long Phú, chè Bắc Sơn). |
Trong những năm qua, trung tâm đã đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới như giống lúa (TH3-3, ĐB5, ĐB6, Khang dân đột biến, T10, Nàng xuân, Nếp cái hoa vàng...); giống chuối tiêu hồng; giống đậu tương (ĐT96, ĐT2000, ĐT 2008, ĐVN 10); giống lạc (MD9, L23, L14), giống hoa lily (Sorbonne...). Song song với công tác khảo nghiệm, Trung tâm còn triển khai nhiều mô hình thực nghiệm sản xuất hiệu quả như sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng, hoa giá trị kinh tế cao, rau trái vụ, cây ăn quả.
Được TP giao nhiệm vụ triển khai thực hiện 3/5 chương trình, đề án nông nghiệp lớn, thời gian qua, Trung tâm luôn chủ động, sáng tạo, vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong việc thực hiện các chương trình, đề án này. Đến nay, Trung tâm đã bước đầu gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt, hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra. Hiệu quả từ những chương trình, đề án của TP mà Trung tâm thực hiện đã tạo ra nhiều mô hình tiêu biểu, những cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa Hà Nội trở thành "điểm sáng" về sản xuất nông nghiệp.
“Nuôi dưỡng” thương hiệuNhằm giúp nông dân nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ và hướng dẫn nông dân. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu trong và ngoài nước để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất tại các địa phương. Từ đó, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, để tạo động lực khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất, Trung tâm còn tích cực hỗ trợ nông dân trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác 4 nhà (Quản lý - Khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đây được coi là đòn bẩy tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản chất lượng cao, từng bước chủ động chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và khu vực.
Giám đốc Trung tâm Hoàng Thị Hòa khẳng định, Trung tâm đã và đang trở thành đầu mối lĩnh hội những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống cây trồng trong việc tiếp tục thực hiện các chương trình, mô hình, dự án giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với đó, Trung tâm tập trung xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, phấn đấu đạt giá trị canh tác 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Duy trì và phát triển các thương hiệu hàng hóa nông sản Hà Nội chất lượng cao. Những kết quả thiết thực trong sản xuất này đã giúp Trung tâm ngày càng gắn kết, là người bạn thân thiết của nhà nông.