Ngày 15/1, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết, tỷ lệ nam giới Việt Nam hút thuốc là hơn 47%, nữ gần 1,5%. Ước tính, mỗi năm có 40.000 người chết do thuốc lá.
Điểm khác biệt so với nhiều nước là tỷ lệ người nghèo hút cao hơn người giàu. Theo bà Hoàng Anh, vì kinh tế hạn hẹp nên họ mua thuốc lá rẻ tiền thường độc hại hơn; đồng nghĩa nguy cơ bệnh tật cũng cao hơn. Cũng vì khó khăn kinh tế, họ thường trì hoãn đi khám, hậu quả là chỉ chữa khi đã muộn. Chi phí đổ vào chữa bệnh lớn nhưng không mang lại hiệu quả.
Bác sĩ Hoàng Anh cũng lưu ý hiện tượng nhiều trẻ 15-16 tuổi đã hút thuốc khi nhận thức về tác hại của thuốc lá chưa đầy đủ. Hậu quả là khi trưởng thành nhận ra được thì việc cai thuốc không phải dễ. Không những thế, hút càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này theo HealthBridge Canada tại Việt Nam một phần do giá thuốc lá ở Việt Nam thấp. Trong nhiều năm qua giá có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng của các mặt hàng khác; thậm chí có xu hướng giảm khi đã điều chỉnh lạm phát. Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ tháng 5/2013 chưa thực sự có hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, kết quả giám sát sơ bộ việc thực hiện luật này tại một tỉnh, thành gần đây cho thấy một số nơi triển khai tốt, một số chậm triển khai.
“Xã bảo chờ huyện, huyện bảo chờ tỉnh triển khai, còn tỉnh bảo… đang nghiên cứu. Đây là vấn đề cần chủ động nếu các ngành không xúc tiến thì luật không đi vào cuộc sống. Lúc đó mọi người lại bảo Quốc hội ban hành luật không thực tế”, tiến sĩ Tiên nói.
Theo ông, hiện nhiều nơi như phòng họp của Ủy ban cũng không có biển cấm hút thuốc lá; chỉ ngành y tế là thực hiện tốt.
"Luật Phòng chống tác hại thuốc lá là một biện pháp dự phòng mạnh, từ xa nếu chúng ta không quan tâm thực hiện thì sẽ gặp hậu quả rất lớn. Cùng với rượu, thuốc lá cũng là mặt hàng tuy mang lại lợi ích nhưng những thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội, đặc biệt là sức khỏe người dân rất lớn", tiến sĩ Tiên nhấn mạnh.
Trong hôm nay, nhiều chuyên gia đề xuất, một trong những biện pháp hữu hiệu giảm tỷ lệ người hút là tăng thuế.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, tăng thuế thuốc lá dẫn đến tăng giá thuốc lá, từ đó giảm tiêu dùng (giảm tỷ lệ hút mới, tăng tỷ lệ bỏ thuốc và giảm lượng thuốc tiêu thu); kéo theo giảm bệnh tật và tử vong. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, giá thuốc tăng 10% sẽ giúp giảm 38 triệu người sử dụng và 9 triệu trường hợp tử vong do thuốc lá.
“Nếu giá thuốc lá tăng ít hơn mức tăng giá của các mặt hàng thì giá tương đối của thuốc lá rẻ đi, sức mua tăng lên. Vì thế, giá thuốc cần cao hơn mức lạm phát cộng với mức tăng thu nhập”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.
Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực được 6 tháng nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ảnh minh họa
|