Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người cao tuổi dễ bị nhiễm Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người băn khoăn, liệu Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến người già hay những người trẻ tuổi cũng dễ mắc bệnh? Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người cao tuổi (NCT) là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm Covid-19 nhất và nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác.

 Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh

80% ca tử vong ở Vũ Hán là người cao tuổi
Theo WHO phân tích về tình hình dịch bệnh do Covid-19 cho thấy, ở người già và những người mắc bệnh nội khoa từ trước (như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim) dường như dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm virus, nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, cần chủ động phòng bệnh đối với NCT trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.
Còn các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo NCT, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Covid-19 lây truyền chủ yếu qua 3 phương thức: Lây qua không khí (tiếp xúc với dịch tiết ra từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi); lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thậm chí bị lây khi bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng vệ và lây truyền khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng... “Như vậy, có thể khẳng định về mức độ nguy hiểm của Covid-19 là rất cao và NCT là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả” - ông Phu nói.
Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, theo thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm NCT nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao. Bởi theo nghiên cứu của Viện Lão khoa, NCT là nhóm có đa bệnh lý. Các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, phổi mãn tính. Chính vì vậy, sức đề kháng của NCT giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu NCT bị nhiễm, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thống kê cho thấy, chiếm tỷ lệ đến 80% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Vũ Hán là NCT.
Cần tránh xa các nguồn lây nhiễm
Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TS Trần Quang Thắng khuyến cáo, NCT có nhiều bệnh lý thì bản thân các bệnh lý phải được kiểm soát tốt bằng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, quan trọng khi có các triệu chứng, NCT phải đi khám ở các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.
TS Trần Quang Thắng cũng cho rằng, việc tập thể dục là một thói quen tốt, tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi sáng. Tùy theo điều kiện thời tiết mưa, NCT sắp xếp thời gian tập sao cho hợp lý nhất. “Những NCT hiện đang sống ngoài vùng dịch thì không cần phải hạn chế việc đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, NCT vẫn nên có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, bảo đảm đủ ấm khi thời tiết lạnh như hiện nay để phòng chống các bệnh lây nhiễm khác ngoài Covid-19. Còn trong vùng dịch, khuyến cáo NCT không nên tập thể dục” - TS Trần Quang Thắng khuyến cáo.
Giải thích về vấn đề NCT dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân là NCT thường có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương... Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi NCT mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.
Ngoài việc duy trì điều trị thường quy, NCT nên tránh xa các nguồn lây nhiễm. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên. Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước. Cần giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch; không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà vệ sinh. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… NCT phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng nhiều kalo, đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.