Nằm sâu trong ngách 48, ngõ Linh Quang, Văn Chương, ngôi nhà 5 tầng của thầy Trần Duyên Hải là nơi ăn và làm việc của hàng trăm mảnh đời cơ nhỡ, cũng chính tại đây họ đã tìm đến tương lai tươi sáng. Khi hỏi về mối duyên nợ với những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, thầy Hải cho biết: “Năm 1975, khi đi qua hồ Hoàn Kiếm, tôi chứng kiến cuộc sống khốn khó của những trẻ em lang thang đường phố. Lúc ấy, dù đã phát cho chúng những chiếc bánh mỳ, nhưng nghĩ thế cũng không được vì không giải quyết được vấn đề gì, rồi cuộc đời của các em sẽ đi về đâu? Cuối cùng, tôi quyết định mở một trung tâm dạy nghề may áo cưới, đón các em về dạy nghề. Dù trong hơn 40 năm qua, có những lúc gặp không ít khó khăn do thiếu thốn về vật chất, kinh phí, nhưng trung tâm vẫn tồn tại được".
Lúc mới thành lập, trung tâm có 3 thành viên sau đó lên 7 thành viên và ngày một đông hơn. Tại đây, những người nghèo khó, thất nghiệp đều được thầy Hải cho học nghề, chủ yếu là nghề may, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người ngay trong trung tâm, với thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng/người/tháng.
Ấn tượng với cái tên Ngọc Sương Gió (xã Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc), thầy Hải cho biết: “Em Gió bị hỏng hai chân, mất mẹ, bố đi theo người khác. Em đã cùng bạn bè rủ nhau về Hà Nội ăn xin. Biết em hoàn cảnh như vậy tôi đã đưa em về trung tâm để dạy nghề cho em. Nhưng về trung tâm, ngày thì em làm, nhưng hễ lúc nào rảnh lại chốn ra ngoài xin tiền để mua rượu uống. Mỗi lần uống em đều say rồi đập phá trung tâm và bỏ đi. Một thời gian lại quay về, rồi lại đi cứ tiếp diễn như vậy cho đến lần thứ 8, em mới chịu khó học và thành nghề”.
Với tấm lòng nhân hậu, bao dung, cứ mỗi lần nghe thấy ai nói ở đâu có những con người khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt là thầy Trần Duyên Hải lại tìm đến để đón về trung tâm của mình, tạo cho họ có công ăn việc làm. Có những lần thầy Hải lên tận những vùng núi, vùng xa, băng rừng để đón những người có hoàn cảnh khó khăn về trung tâm của mình. “Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã giúp hàng nghìn em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định” - thầy Hải nói, và chia sẻ thêm, hiện nay, trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất do trung tâm ngày một đông hơn. Vì vậy, để trung tâm tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hy vọng cộng đồng, các nhà hảo tâm sẽ chung tay, góp sức giúp đỡ những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh.
Mong rằng, tương lai “chuyến tàu cuối cùng” của thầy Trần Duyên Hải sẽ có những “tấm vé” đặc biệt.