Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người chuyển tải thông tin về 2.890 liệt sỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tâm của CCB Phạm Song Toàn, ở thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội) luôn đau đáu nghĩ về đồng đội, về những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc mà chưa được về lại với gia đình. Vì lẽ đó mà ông Toàn đã có hơn 10 năm đi khắp các nghĩa trang liệt sỹ để tìm đồng đội.

Bí thư Đảng ủy xã Nhị Khê Phạm Đức Sinh, cho biết, hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quận đội nhân dân VIệt Nam, hay những dịp lễ tết khác, ông Phạm Song Toàn liên tục thường trực ở nghĩa trang liệt sỹ của xã để quét dọn, hương đăng và đón tiếp các gia đình đến viếng thăm các liệt sỹ. Nhưng cảm động nhất vẫn là những ngày tháng ông đi đến các nghĩa trang ở miền Trung để giúp người thân tìm mộ liệt sỹ.
CCB Phạm Song Toàn, ở thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, (Hà Nội) đang chăm nom và thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ
CCB Phạm Song Toàn, ở thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang chăm nom và thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ xã Nhị Khê
Thắp những nén nhang cho đồng đội, ông Toàn xúc động tâm sự: Ông sinh năm 1941, đến năm 1966 cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng cam go ác liệt, không thuộc diện phải đi bộ đội nhưng ông vẫn xung phong ghi tên mình trong Trung đoàn Pháo Binh 84, thuộc Sư đoàn 351; sau đó chuyển sang Đại đội trinh sát Pháo binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đến cuối năm 1973, ông bị sốt rét nặng, đơn vị đã cho ông xuất ngũ  để chữa bệnh. Trở về với địa phương, ông Toàn tham gia vào công tác tại xã và từng giữ các cương vị Xã đội trưởng, Trưởng công an xã và đến năm 1993 ông nghỉ hưu. 

Từ sau khi đất nước thống nhất, trong tâm niệm của ông luôn đau đáu nghĩ về những đồng đội của mình đã hy sinh còn nằm lại ở chiến trường. Năm 1995, ông đã trao đổi với gia đình, họ hàng để vào miền Trung đi tìm đồng đội. Có người cũng đã từng nói ông là “khùng”, nhưng với ông nghĩa tình là cao hơn cả. 

Chỉ có khoản lương hưu nhưng được sự đồng lòng của vợ, ông quyết tâm đi tìm đồng đội. Chuyến đi đầu tiên ông nghĩ đi khoảng 1 – 2 tuần, nhưng thời gian đã phải kéo dài hơn 1 tháng. Ông đã mải miết đi, ghi chép hết tên tuổi, địa chỉ của những liệt sỹ còn nằm lại ở nghĩa trang Vĩnh Linh, Đông Hà, Đường 9 (Quảng Trị), nơi đồng đội của ông chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. 

Câu chuyện ông kể có lúc ông đã phải ngừng lại vì nén xúc động vào trong, ông chia sẻ: Mình đi nhiều nhưng không ghi chép được nhiều lắm, vì có quá nhiều đồng đội còn nằm lại đó mà chỉ có 1 cái tên chung là “vô danh”.

Sau lần đầu tiên, ông đi đưa được hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Tỵ, nằm ở nghĩa trang Quảng Trị về quê ở huyện Thanh Oai trong niềm vui không kể xiết. Từ đó, càng thôi thúc ông rằng còn rất nhiều đồng đội khác cũng đang cần có người kết nối đưa họ về với gia đình. Những chuyến đi sau đó ông đã ghi cả tên những liệt sỹ không phải cùng quê để chuyển đến báo An ninh Thủ đô, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, báo Hà Tây để thông báo tìm thân nhân liệt sỹ.

Cứ đi rồi lại về, có khi đến địa phương tìm mộ liệt sỹ thì trời đã khuya, khó tìm dược nhà trọ,  ông đã  ngủ ở ngay cổng nghĩa trang để sáng sớm vào nghĩa trang tìm kiếm thông tin. Có những người quản lý nghĩa trang liệt sỹ lúc đầu chưa hiểu được, không cho ông vào, nhưng khi thấy được việc làm ý nghĩa nhân văn của ông họ tạo mọi điều kiện giúp đỡ ông.

Hơn 10 năm (1995-2006), ông Toàn đã đến 29 nghĩa trang liệt sĩ của các địa phương,. từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông đã ghi chép được tên, địa chỉ của 2.890 tên liệt sĩ. Trong đó ông đã trực tiếp 15 lần đưa thành công các hài cốt liệt sỹ về với gia đình người thân. Các trường hợp còn lại ông viết thư báo tin cho gia đình người thân của liệt sỹ và đăng trên báo, đài.  Nhờ đó, mà hàng trăm gia đình tìm nhận được phần mộ, hài cốt liệt sỹ và có hồi âm với ông. Có những người ông đã đến giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng. Riêng ở xã Nhị Khê,  ông Toàn đưa được 2 liệt sỹ về quê hương.

 Từ năm 2006, do sức khỏe suy giảm ông không thể đi xa để tìm đồng đội nên ông xin làm quản trang nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ghi nhận những đóng góp của ông, UBND và Hội Cựu chiến binh huyện Thường Tín tặng thưởng ông nhiều giấy khen và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tặng ông danh hiệu “Cựu chiến binh gương mẫu".