Trước hết, người ĐTĐ nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa. Bữa cơm tất niên, các gia đình thường làm mâm cơm cúng gia tiên, hóa vàng, chờ mọi người đến đông đủ, thời gian đến bữa ăn kéo dài có thể dẫn đến hạ đường huyết. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý, có thể ăn tạm thứ gì đó như một quả quýt nhỏ, hay một chiếc bánh qui trong khi chờ đợi. Dù ngày Tết có nhiều món ăn ngon, nhưng người bệnh cần chú ý giữ chế độ ăn không bị thay đổi nhiều so với ngày thường, tránh ăn nhiều quá hoặc ăn ít quá. Các bữa ăn của người ĐTĐ luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm béo, rau và hoa quả. Một số món ăn truyền thống trong ngày Tết như xôi, bánh chưng có chứa nhiều chất bột đường, vì vậy cần lưu ý chỉ ăn vừa đủ, giữ lượng chất bột đường ổn định trong các bữa ăn, không nên ăn nhiều. Các món ăn như giò chả, giò xào, thịt đông có nhiều chất béo, nên ăn số lượng vừa phải. Còn các món súp lơ, su hào trong bát canh bóng, miến măng, dưa hành, hoặc các loại nộm đều là những món ăn ngon chế biến từ rau, có tác dụng giúp cho tinh bột trong bữa ăn hấp thu chậm hơn. Đối với các loại mứt bí, mứt dừa, táo, bánh, kẹo chứa nhiều đường, sẽ làm đường máu tăng nhanh, vì vậy, người ĐTĐ chỉ nên ăn 1 - 2 miếng/ngày.
Khi đi chúc Tết, thăm hỏi, bên chén trà, vui câu chuyện cùng hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười, nhưng cần nhớ rằng, những loại hạt này chỉ nên nhấm nháp vui vẻ, vì những món ăn này cung cấp chất béo, ăn nhiều gây thừa năng lượng. Ngoài ra, trong một ngày, người mắc ĐTĐ có thể uống khoảng 200ml bia, hoặc 70ml rượu vang, hoặc nếu uống rượu nếp tự nấu, rượu mạnh như Vodka 40 độ cồn, thì chỉ có thể uống khoảng 1 chén 30ml. Chỉ uống rượu bia sau khi đã ăn được một lúc, vì uống rượu say có nguy cơ bị hạ đường huyết.
Nếu ăn uống khoa học, hợp lý, người bệnh ĐTĐ có thể cùng gia đình thực sự có những bữa ăn ngày Tết vui vẻ mà không sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Đo chỉ số đường huyết tại Ngày hội phòng chống bệnh đái tháo đường, Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ảnh: Lý Hải
|