Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, người dân được khuyến cáo chỉ đi ra ngoài khi thật cần thiết. Do đó, người bệnh đái tháo đường - một trong những đối tượng dễ tiến triển nặng nếu nhiễm Covid-19, cần chủ động chăm sóc sức khỏe tại nhà để đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch. Dưới đây là những lời khuyên của TS BS. Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho người bệnh đái tháo đường trong mùa dịch Covid-19, giúp người bệnh an toàn và hạn chế tối đa những nguy cơ đối với sức khỏe.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Để duy trì kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường cần phối hợp các biện pháp: Chế độ ăn hợp lý, vận động hàng ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cũng cần biết tự theo dõi đường huyết của mình để điều chỉnh đúng lúc, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, người bệnh nên chuẩn bị đầy đủ thuốc men trong nhà theo toa của bác sĩ và chủ động tự kiểm tra đường huyết, huyết áp của mình thường xuyên. Nếu đường huyết, huyết áp ổn định thì có thể uống lại theo toa thuốc cũ trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Tuy nhiên, nếu đường huyết, huyết áp không ổn định thì người bệnh phải tái khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường nên chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp tự chăm sóc bản thân tại nhà như cách tự kiểm tra đường huyết, huyết áp, xử lý các cơn hạ đường huyết, kiểm tra các tổn thương ở bàn chân, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp… từ các nguồn tài liệu chính thống từ các cơ sở y tế có uy tín.
Trong trường hợp huyết áp, đường huyết không ổn định, người bệnh phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Việc chủ quan không đi khám, bỏ uống thuốc hoặc tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ có thể khiến lượng đường trong máu không ổn định dẫn tới biến chứng như: đường trong máu tăng quá cao gây hôn mê; tiểu nhiều mất nước, mất điện giải; nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ...
Ngoài ra, lượng đường tăng cao trong máu làm cơ thể giảm sức đề kháng, do đó người bệnh cũng dễ nhiễm trùng, cảm cúm hơn. Một toa thuốc có thể chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nhằm kiểm soát tốt đường huyết và các chỉ số sức khỏe khác (huyết áp, mỡ máu…). Do đó, cần tái khám để bác sĩ đánh giá xem toa thuốc có còn phù hợp hay không, nếu toa không phù hợp nữa, tình trạng đường huyết tăng lên thì bác sĩ sẽ điều chỉnh để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Tăng cường sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh
Người bệnh đái tháo đường, đặc biệt người già là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh cúm nói chung và Covid-19 nói riêng. Lý do là họ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, khi mắc bệnh thì có nhiều khả năng dẫn đến biến chứng nặng.
Do đó, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý một số biện pháp làm tăng cường sức khỏe, phòng ngừa dịch như sau: Tuân theo hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 chung của các chuyên gia y tế như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc người có biểu hiện bệnh, hạn chế đi đến chỗ đông người…; Kiểm soát đường huyết tốt bằng cách dùng thuốc đều đặn; Ăn đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh; Tập thể dục đều dặn; Uống nhiều nước; Ngủ đủ giấc; Ngưng hút thuốc lá, bia rượu; Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
"Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý một số biện pháp làm tăng cường sức khỏe, phòng ngừa dịch như sau: Tuân theo hướng dẫn phòng bệnh Covid -19 chung của các chuyên gia y tế như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc người có biểu hiện bệnh, hạn chế đi đến chỗ đông người…; Kiểm soát đường huyết tốt bằng cách dùng thuốc đều đặn; Ăn đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh; Tập thể dục đều dặn; Uống nhiều nước; Ngủ đủ giấc; Ngưng hút thuốc lá, bia rượu; Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ" - TS BS. Trần Quang Nam |