Từ 6 giờ 30 phút sáng ngày 1/8, các đơn vị thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP Hà Nội) đồng loạt ra quân tại 12 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô với nhiệm vụ xử lý người tham gia giao thông cố tình vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe máy điện và xe đạp điện. Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, khác với công việc của lực lượng Cảnh sát giao thông, cắm chốt xử lý tại những ngã tư, nút giao thông, lực lượng Cảnh sát cơ động tham gia tuần tra trên đường, phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ dừng xe xử lý tại chỗ. Từ tờ mờ sáng, nhiều người tham gia giao thông đã cảm thấy bất ngờ khi trông thấy bóng dáng các chiến sỹ cảnh sát cơ động trên đường.
Từ 1/8, lực lượng cảnh sát cơ động sẽ tuần lưu từ ban ngày. (Ảnh: Cộng tác viên) |
Anh Huy (Tây Hồ, Hà Nội) tỏ vẻ thích thú: “Mình vốn quen nhìn thấy các anh cảnh sát cơ động vào ban đêm, cũng biết là từ 1/8 triển khai nghị định 46, cảnh sát cơ động sẽ làm việc cả ban ngày nhưng vẫn thấy… lạ mắt”. Bà Thúy H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người cao tuổi thể hiện sự đồng tình: “Theo tôi, có làm như vậy mới không để lọt tội phạm và xiết lại kỷ cương từ việc nhỏ nhất là không đội mũ bảo hiểm”. Còn anh Khánh Chung (quê quán Bắc Kạn, là sinh viên), một người vi phạm bị lực lượng cảnh sát cơ động dừng xe xử lý cho biết: “Hôm nay tôi quên đội mũ bảo hiểm, không ngờ đang đi thì bị lực lượng cảnh sát cơ động dừng xe, nhắc nhở, tôi xin rút kinh nghiệm lần sau sẽ chấp hành tốt quy định an toàn giao thông”. Theo Đại úy Ngô Đức Long - Tiểu đội 9, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, trong ngày đầu ra quân, đơn vị chủ yếu nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định pháp luật. Có những trường hợp nghi vấn chúng tôi vẫn kiểm tra xe, kiểm tra người công khai không để lọt tội phạm. Đa số người dân khi bị dừng xe nhắc nhở đều rất chấp hành. Ngày 1/8 là ngày đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP với nhiều sự điều chỉnh về các quy định mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông. Nghị định 46 được ban hành được dư luận quan tâm bởi việc tăng mức xử phạt đối với hơn 100 hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông, tập trung ở các nhóm hành vi: nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ và nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc. Đa số các hành vi vi phạm đều tăng cả mức xử phạt tiền và thời gian tước giấy phép lái xe. Ngoài ra, một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm được mô tả làm rõ hơn cùng nhiều quy định xử phạt mới được ban hành. Hy vọng, sau khi đi vào thực hiện Nghị định 46, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Thủ đô sẽ được cải thiện, đồng thời ý thức của người dân khi tham gia giao thông sẽ được nâng cao.