Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân khổ vì lò gạch “thân thiện môi trường”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân sống tại xã Võng Xuyên, Phúc...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân sống tại xã Võng Xuyên, Phúc Thọ (Hà Nội) về việc hàng loạt lò gạch tại đây ngày đêm nhả khói gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực, ảnh hưởng đến môi trường học tập của học sinh, khu dân cư, gây thiệt hại hoa màu, cây ăn  quả… Cùng với đó, các xe tải chở vật liệu “băm” nát đường giao thông khu vực.

Có mặt trên đường đê Cao Quýt, xã Võng Xuyên, chúng tôi cảm nhận được phần nào nỗi khổ của người dân sống tại đây. Các con đường dân sinh dẫn vào lò gạch nhiều đoạn lầy lội, hư hại nghiêm trọng. Trung bình khoảng 5 – 10 phút lại có xe tải chở vật liệu chạy rập rập, bụi quấn theo mù mịt. Cách đó khoảng 700m là trường THPT Phúc Thọ nơi có một số học sinh của 2 xã Võng Xuyên và Long Xuyên đều đều sáng, chiều đi trên đoạn đường này đến trường. Theo ghi nhận, khu vực này có khoảng gần 20 lò gạch đang hoạt động, thợ lò và các nhân viên làm việc tấp nập…
Hàng loạt lò gạch đang hoạt động tại xã Võng Xuyên.
Hàng loạt lò gạch đang hoạt động tại xã Võng Xuyên.
Người dân sống tại đây cho biết, cả ngày lẫn đêm, khói bụi từ các lò gạch tỏa ra đem theo mùi hăng, khét khó chịu. Nhiều khi trời nổi gió hay oi bức thì có đeo khẩu trang cũng chỉ bớt chứ không hết được mùi khói lò len lỏi quanh nhà. Người lớn đã vậy, còn các cháu học sinh ngoài việc lội bùn đến trường mỗi khi sau trận mưa lớn thì việc hưởng của đủ thứ mùi do hoạt động lò gạch gây ra trong giờ học cũng là điều không tránh khỏi. Khi được hỏi đến tác hại do ô nhiễm môi trường từ khói, bụi lò gạch gây ra, người dân cho hay: Chưa rõ lắm về tác động như thế nào cho sức khỏe nhưng khoảng 3 năm gần đây hoa màu trồng gần đó đều giảm năng suất thu hoạch. Lúa bị táp lá chuyển màu vàng úa, năng suất chỉ bằng nửa so với các nơi khác. Hoa màu, cây ăn quả không ra hoa, đậu quả được. “Những đợt cao điểm đốt lò, đã có một số thửa hoa màu bị đốt cháy hỏng gần như hoàn toàn. Hoa màu bị hỏng, giảm năng suất như vậy thì người sống gần đây chắc chắn cũng phải chịu ảnh hưởng sức khỏe nhưng chẳng biết kêu ai. So với các lò gạch thủ công trước kia thì lò gạch đã xử lý khói vẫn tuôn khói và vẫn gây hại như trước… (!)” –  một người dân sống tại xã Võng Xuyên than thở.

Trao đổi những bức xúc của người dân về vấn đề này, Chủ tịch xã Võng  Xuyên Lê Đình Bình cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 14 lò gạch đơn chạy dài hơn 1km dọc đê Cao Quýt. Các lò gạch này được hoạt động với công nghệ xử lý khói thủ công Bách Khoa theo mô hình thí điểm lò gạch thân thiện môi trường. Mô hình này đã được huyện Phúc Thọ đồng ý về chủ trương cho thí điểm từ năm 2013 đến hết năm 2016.

Ông Bình cũng thừa nhận, vài năm gần đây đã có một số người dân kiến nghị về việc hại hoa màu do hoạt động của lò gạch “thân thiện môi trường” gây ra. Cán bộ xã đã yêu cầu và chủ lò gạch đã thực hiện bồi thường theo thỏa thuận với người dân. Trường THPT Phúc Thọ đã có ý kiến về việc khói và mùi khó chịu do lò gạch hoạt động, vấn đề này xã cũng nhắc nhở các chủ lò nghiêm túc thực hiện đúng quy trình đốt thân thiện với môi trường. Theo ông Bình khói đốt lò cũng khá cao nên ảnh hưởng không nhiều.

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc xe quá tải làm hư hỏng nặng nhiều đoạn đường, ông Bình cho hay: Theo mô hình thí điểm, các chủ lò gạch phải chích 10% lợi nhuận hàng năm để tu sửa đường xá. Tuy nhiên, năm vừa qua do các chủ lò gạch báo kinh doanh lỗ nên xã cũng không thu được kinh phí sửa chữa đường (!).

Hàng loạt lò gạch đang ngày đêm “nhả khói” gây xáo trộn cuộc sống của người dân, có đem lại lợi ích cho cộng đồng? Đây vấn đề cần được các cấp chính quyền huyện Phúc Thọ kiểm tra, xử lý.