Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân không mất tiền khi gọi cứu hỏa

Bài, ảnh: Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những thông tin đơn giản, hiệu quả của Phòng Cảnh sát Phòng cháy & chữa cháy (PCCC) số 2 gửi đến người dân khi đơn vị tổ chức phổ biến công tác phòng, chống cháy nổ tại cơ sở.

Phóng viên thật sự bị cuốn hút bởi cách chuyển tải mộc mạc, đơn giản về công tác phòng chống cháy nổ của Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, cho cán bộ cơ sở tại địa bàn phường Thổ Quan (quận Đống Đa). Với những dụng cụ trực quan như bếp, bình ga, thiết bị điện…, Đại tá Sơn hướng dẫn cách phát hiện, phòng tránh nguy cơ cháy nổ theo phong cách tuyên truyền dân dã, dí dỏm. Ví như, nấu bếp không có người trông vừa có nguy cơ hỏng món ăn, bị gia đình phê bình và tiềm ẩn rủi ro cháy; không để dây dẫn điện kẹt trên, dưới cánh cửa, cánh tủ nguy hiểm về điện giật khi vô ý “lần sờ” và đối mặt với việc chập, cháy khi quá tải. Có kế hoạch xúc, xả bình nóng lạnh hàng năm, vừa đảm bảo bền, không đóng cặn vừa không mất an toàn cháy, nổ vì lý do tắc đường dẫn nước nóng… Với mỗi cảnh báo phòng chống cháy nổ, Đại tá Sơn đều dẫn chứng những vụ cháy cụ thể và thiệt hại kèm theo khiến mọi người trong khán phòng luôn lắng nghe và nhỏ to bình luận.

 Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Số 2 hướng dẫn lực lượng cơ sở sử dụng bình cứu hỏa.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, cán bộ Tổ dân phố số 13, phường Thổ Quan hồ hởi cho biết: Trước đây, thông tin dư luận đều "lờ mờ" chuyện có hay không mất kinh phí khi gọi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp. Ngay sau buổi tuyên truyền, ông sẽ chia sẻ những kiến thức vừa được biết cho các hộ gia đình Tổ dân phố số 13. Đặc biệt, sẽ tuyên truyền cho người dân ghi nhớ tình huống khi xảy ra cháy là song song với cứu hỏa cần gọi ngay số 114 để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời xử lý ngăn cháy lan rộng.

Theo ông Nguyễn Thành Trường - Chủ tịch UBND phường Thổ Quan, do đường sá tại các phường trên địa bàn nội thành khá nhỏ hẹp, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp rất khó tiếp cận kịp thời, nên việc tuyên truyền PCCC đến cán bộ cơ sở và người dân trong khu vực là rất thiết thực. Với cách tuyên truyền bằng cẩm nang phòng chống cháy nổ song song với dụng cụ trực quan đã đọng lại nhiều kiến thức cho cán bộ cơ sở. Đồng thời, những kiến thức thực tế tiếp thu được qua tập huấn, các tuyên truyền viên cơ sở sẽ tiếp tục lan tỏa đến với từng người dân trong khu vực.

Tham gia cứu chữa nhiều đám cháy lớn trên địa bàn TP, Đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Việc lực lượng chữa cháy tại chỗ triển khai nhanh, thuần thục là yếu tố tối quan trọng để giảm thiểu tối đa những vụ cháy lớn. Bởi vậy, đơn vị đặt ra mục tiêu hàng đầu là tập huấn kỹ năng chữa cháy cơ bản thành thạo cho lực lượng cơ sở. Ngoài ra, theo ghi nhận của lực lượng PCCC, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn có đến 12 vụ cháy do người dân sơ suất để quên các vật dụng dẫn nhiệt trên bếp. Tình huống cháy tại bếp là rất nguy hiểm vì gần bình gas hoặc hệ thống điện. Do đó, qua các buổi tuyên truyền, đơn vị đều cố gắng giải thích và cách dập lửa tức thời, hiệu quả nhất trong tình huống này.

Từ đầu năm đến nay, địa bàn 2 quận Ba Đình – Đống Đa xảy ra 84 vụ cháy, giảm 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có đến 55 vụ cháy được người dân và lực lượng PCCC cơ sở kịp thời dập tắt và không có thương vong về người. Để có được kết quả kéo giảm tỷ lệ cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó lấy tuyên truyền cho người dân là công tác được đơn vị ưu tiên hàng đầu.