“Người dân” là trọng tâm phục vụ của chính quyền điện tử Hà Nội

Tú Anh - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tại Hội thảo Chính quyền số và thanh toán thông minh diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio Hà Nội ngày 18/9/2018.

Thông tin về Thủ đô, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết với diện tích hơn 3.340km2, dân số 7.5 triệu, bao gồm cả khách vãng lai khoảng 10 triệu người, TP có 27 sở ban ngành, 30 quận huyện cùng 584 xã phường.
 Toàn cảnh hội thảo
“Đây là những dữ liệu quan trọng để TP đưa ra các chính sách, trong đó, trọng tâm xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội là cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu và lợi ích người dân”, ông Đặng Vũ Tuấn khẳng định.
Thời gian qua, TP đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thông nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, cơ sở dữ liệu cho 7,5 triệu người dân đã được xây dựng xong, làm nền tảng cho cung câp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4. Hiện TP đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 (trên tổng số 1883), đạt gần 30% tổng số thủ tục hành chính
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cốt lõi của thành phố thông minh là chính phủ điện tử, bên cạnh các cấu phần như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến.
Chia sẻ về kinh nghiệm của vùng Iskandar (Malaysia), bà Suhaily Abdul Hamid, Giám đốc Vụ phát triển xã hội, Cục phát triển vùng Iskandar, Bang Johor cho biết, mỗi 5 năm chính quyền Malaysia có kế hoạch quy hoạch tổng thể riêng. Với số lượng tại thành thị gia tăng, Malaysia cũng đối mặt với các thách thức của đô thị hóa, thúc giục chính quyền tập trung vào các mục tiêu đô thị thông minh và an toàn hơn.
Theo bà Suhaily Abdul Hamid, quá trình phát triển đô thị thông minh tại vùng Iskandar tập trung vào 6 bình diện là kinh tế, môi trường, giao thông, quản trị, lối sống và con người… Một trong những yếu tố chủ chốt là sự hợp tác, cộng tác của các cấp ngành để đảm bảo sự thành công trên mọi lĩnh vực. Malaysia nói chung và vùng Iskandar nói riêng đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước phát triển để học các chỉ số so sánh, đánh giá cũng như phương thức thu hút nguồn tài chính vào các dự án thành phố thông minh. “Trong khi chính quyền có trách nhiệm đưa ra chính sách, giám sát, điều hành, các khu vực tư nhân chủ yếu đảm nhận các dự án cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng và tiết kiệm ngân sách”, bà Suhaily Abdul Hamid thông tin.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City của Tập đoàn Viettel đã đề cập khái niệm trung tâm điều hành thông minh với vai trò quan trọng trong việc tích hợp quản lý từ các sở ban ngành T.Ư. Theo ông Lê Quốc Hữu, trong quá trình phát triển thành phố thông minh, cần đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn của thế giới và phát triển trung tâm của TP liên kết với các trung tâm về môi trường, giao thông của phường-xã cũng như trung tâm điều hành của các TP khác.